Mặt đồng hồ là linh hồn của cỗ máy thời gian, mỗi kiểu mặt đều mang dấu ấn riêng và sức hút khó cưỡng với giới mộ điệu. Dưới đây là 15 kiểu mặt đồng hồ đeo tay ấn tượng được yêu thích nhất hiện nay.
MỤC LỤC › Mặt đồng hồ và các bộ phận có trên mặt đồng hồ › Top 15 các loại mặt đồng hồ đeo tay từ phổ biến đến độc đáo hiện nay |
Mặt đồng hồ và các bộ phận có trên mặt đồng hồ
Mặt đồng hồ (watch face/ dial cover) là bộ phận quan trọng giúp hiển thị thời gian và một số chức năng khác. Đây cũng là yếu tố quyết định đến tính thẩm mỹ, phong cách và độ nhận diện thương hiệu. Mặt số có thể được chế tác từ nhiều chất liệu khác nhau, đi kèm với các kiểu hoàn thiện đa dạng để tạo nên sự độc đáo cho từng thiết kế.

Dial cover là bộ phận hiển thị chính, nơi thể hiện thời gian và chức năng khác như lịch ngày, lịch thứ, chronograph, kim GMT,..
Đối với cỗ máy thường 3 kim cơ bản không có chức năng bổ sung, các bộ phận chính trên mặt đồng hồ gồm:
Mặt số (Dial): Phần hiển thị giờ, phút, giây, có thể có màu sắc và họa tiết khác nhau.
Kim đồng hồ (Hands): Gồm kim chỉ giờ, phút, giây, giúp hiển thị thời gian.
Cọc số (Hour Markers): Hiển thị vị trí giờ, có thể là số La Mã, số Ả Rập hoặc vạch đơn,…
Logo thương hiệu: Thường nằm dưới vị trí 12h, thể hiện tên hoặc biểu tượng của hãng sản xuất.
Mặt kính (Crystal): Lớp bảo vệ bên ngoài mặt số, làm từ kính khoáng, sapphire,…

Những cỗ máy ngoài chức năng xem giờ còn có thêm tính năng khác như lịch ngày, chronograph, GMT,… Các bộ phận bổ sung bao gồm:
Lịch ngày (Date Window): Một ô nhỏ hiển thị ngày trong tháng, thường nằm ở vị trí 3h, 6h hoặc 12h.
Lịch thứ và tháng: Một số thiết kế có thêm ô hiển thị thứ trong tuần hoặc tháng.
Mặt số phụ (Sub-dial):
- Chronograph: Dùng để bấm giờ, thường có từ 1-3 mặt số phụ.
- Giây nhỏ: Một số mẫu có mặt số phụ riêng hiển thị giây thay vì kim giây trung tâm.
- GMT: Hiển thị múi giờ thứ hai, thường có kim GMT riêng.
Vòng bezel trong (Rehaut): Vòng viền giữa mặt số và kính, có thể in thông số tachymeter, vạch chia phút,…
Tourbillon (trên một số dòng cao cấp): Cơ chế giúp tăng độ chính xác, thường hiển thị qua một cửa sổ trên mặt số.

Top 15 các loại mặt đồng hồ đeo tay từ phổ biến đến độc đáo hiện nay
Tùy vào từng sản phẩm, mặt đồng hồ có thể từ thiết kế trơn mịn đến các kiểu dáng sáng tạo, mang đậm dấu ấn nghệ thuật và kỹ thuật chế tác. Dưới đây là 15 kiểu mặt đồng hồ đeo tay phổ biến được ưa chuộng nhất hiện nay:
1. Brush
Mặt số chải tia đặc trưng bởi bề mặt có kết cấu mịn, tạo ra bằng cách áp dụng đường xước mảnh theo một hướng nhất định trên bề mặt mặt số.
Kỹ thuật này mang lại hiệu ứng ánh sáng tinh tế, sáng nhưng không quá phản chiếu, giúp tăng khả năng quan sát trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau.
Tùy theo phong cách thiết kế, mặt số có thể chải theo nhiều kiểu khác nhau, như chải dọc, chải tròn hoặc chải tia từ tâm ra viền, mang lại chiều sâu thị giác, tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm.
Điểm đặc biệt khiến nó trở thành lựa chọn lý tưởng cho một chiếc đồng hồ đeo hàng ngày là khả năng che giấu vết xước nhỏ trong quá trình sử dụng.

Saga 53578-SVSVBK-2 với mặt số chải tia nhẹ thu hút ánh sáng, nổi bật với dây da giả vân cá sấu màu đen.
2. Điện tử
Mặt đồng hồ điện tử hiển thị thời gian bằng các con số trên màn hình LCD hoặc LED, thay vì sử dụng kim truyền thống.
Hoạt động dựa trên năng lượng điện tử, loại mặt này mang đến độ chính xác cao, dễ đọc trong mọi điều kiện ánh sáng, thường đi kèm nhiều tính năng tiện ích như bấm giờ, đếm ngược, báo thức hoặc kết nối thông minh.
Với thiết kế tối giản nhưng không kém phần mạnh mẽ, đồng hồ điện tử thể hiện phong cách năng động, hiện đại, cá tính. Chính vì vậy, đây là lựa chọn yêu thích của giới trẻ, đặc biệt ai đam mê công nghệ và sự tiện lợi trong cuộc sống hàng ngày.

3. Xà cừ
Mặt số xà cừ chế tác từ lớp vỏ bên trong của trai ngọc tự nhiên, mang đến hiệu ứng óng ánh độc đáo với màu sắc biến đổi tùy theo góc nhìn. Nhờ vào cấu trúc đặc biệt của xà cừ, mỗi mặt số đều sở hữu hoa văn riêng biệt, tạo nên cỗ máy thời gian mang dấu ấn độc bản. Đây là lựa chọn phổ biến cho đồng hồ nữ cao cấp nhờ vẻ đẹp tinh tế sang trọng.

Saga 53585-SVMESV-2S khảm xà cừ màu xanh dương tạo nên vẻ đẹp thôi miên thị giác
4. Crosshair
Mặt số Crosshair có thiết kế đặc trưng với hai đường thẳng – một dọc và một ngang – giao nhau tại trung tâm mặt số, chia mặt đồng hồ thành bốn phần bằng nhau. Thiết kế này mang lại sự hài hòa về thị giác, giúp bố cục trở nên rõ ràng, cải thiện khả năng hiển thị.
Tùy vào độ dày và phong cách của đường kẻ, mặt số Crosshair có thể mang hơi hướng cổ điển hoặc retro, tạo điểm nhấn thanh lịch cho cỗ máy. Loại mặt số này thường được ưa chuộng trên dòng Dress Watch, Chronograph,…

5. California
Mặt số California gây ấn tượng với sự kết hợp độc đáo giữa chữ số La Mã ở nửa trên và chữ số Ả Rập ở nửa dưới của mặt số. Sự pha trộn này tạo nên một bố cục lạ mắt, giúp người đeo dễ dàng nhận diện, đọc giờ nhanh hơn.
Nguồn gốc của tên gọi “California” vẫn còn gây tranh cãi, kiểu mặt số này gắn liền với thương hiệu Panerai, hãng đã phổ biến thiết kế này vào những năm 1930 – 1940.
Nhờ vẻ đẹp cổ điển cùng giá trị lịch sử giúp chúng trở thành lựa chọn yêu thích của nhiều thương hiệu, đồng thời thu hút giới đam mê đồng hồ cổ điển và nhà sưu tầm hiện đại.

6. Tráng men
Mặt số tráng men là một kiệt tác hiếm hoi trong thế giới chế tác, chỉ xuất hiện trên những cỗ máy thời gian cao cấp của thương hiệu xa xỉ như Piaget, Breguet,… do đòi hỏi kỹ thuật chế tác tinh xảo cùng tay nghề bậc thầy.
Chất liệu men thực chất là một loại thủy tinh mềm tạo nên từ silica, chì đỏ và soda. Khi nung ở nhiệt độ khoảng 1200°C, men sẽ hóa lỏng rồi liên kết với kim loại khác để tạo ra bảng màu phong phú, từ trắng ngà thanh lịch đến xanh lam, xám hay xanh lá huyền bí.
Ba phong cách tráng men phổ biến nhất gồm:
- Grand Feu – Được nung nhiều lần ở nhiệt độ cao để tạo độ sâu, độ bóng hoàn hảo.
- Cloisonné – Sử dụng các sợi vàng hoặc bạc mảnh để tạo hình trước khi phủ men lên.
- Champlevé – Khắc rãnh trực tiếp lên kim loại rồi đổ men vào, tạo hiệu ứng nổi bật.
Sự tinh xảo, độ bền vượt thời gian khiến mặt số tráng men không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của tay nghề thủ công thượng hạng trong ngành chế tác cỗ máy thời gian.

7. Frosted
Mặt số Frosted nổi bật với bề mặt mờ, kết cấu hạt mịn tạo ra nhờ kỹ thuật ăn mòn axit hoặc phun cát. Thay vì phản chiếu ánh sáng như mặt số bóng truyền thống, lớp hoàn thiện này khuếch tán ánh sáng, mang lại hiệu ứng tinh tế và hiện đại.
Kỹ thuật Frosted do Breguet tiên phong không chỉ nâng tầm thẩm mỹ mà còn tạo cảm giác chạm độc đáo, giúp người đeo cảm nhận rõ hơn sự kết nối. Với vẻ ngoài thanh lịch, không phô trương, mặt số này thường xuất hiện trên các mẫu cao cấp, tôn lên nét đẹp tối giản nhưng cuốn hút.

8. Gradient
Mặt số Gradient hay còn gọi là Fumé, nổi bật với hiệu ứng chuyển đổi màu sắc tinh tế, thường tối hơn ở viền và sáng dần về trung tâm. Sự thay đổi này tạo chiều sâu thị giác thu hút ánh nhìn vào trung tâm mặt số.
Nhiều thương hiệu như Omega, Patek Philippe, Longines, Seiko cũng có các sản phẩm với mặt số Gradient áp dụng trên phiên bản giới hạn hoặc dòng cao cấp để tăng tính thẩm mỹ và độ sang trọng.

9. Mạ vàng
Mặt số mạ vàng mang đến vẻ đẹp sang trọng, quý phái nhờ lớp phủ vàng mỏng trên bề mặt. Hiện nay, phương pháp phổ biến nhất để tạo ra mặt số này là mạ PVD (Physical Vapor Deposition) giúp lớp vàng bám chắc hơn, bền màu theo thời gian, có khả năng chống trầy xước tốt hơn so với phương pháp mạ truyền thống.
Ở những thương hiệu cao cấp như Longines, Doxa, mặt số không đơn thuần là phủ lớp mạ vàng mà phủ vàng thật 18K, giúp tăng giá trị cũng như độ bền của sản phẩm.

10. Guilloché
Guilloché là một kỹ thuật trang trí tinh xảo trong chế tác đồng hồ, tạo ra những họa tiết lặp đi lặp lại với các đường chạm khắc đan xen hoặc chồng chéo, giúp mặt số có chiều sâu, thể hiện sự phức tạp của nghệ thuật chế tác.
Mặt số Guilloché có thể được chế tác bằng tay thủ công hoặc máy tiện chuyên dụng. Hãng cao cấp thường sử dụng kỹ thuật thủ công để đảm bảo từng đường nét có độ chính xác cao, mang đến vẻ đẹp độc bản.
Một trong những họa tiết Guilloché phổ biến nhất là Sunburst, mô phỏng tia sáng lan tỏa từ tâm mặt số. Khi ánh sáng chiếu vào, đường khắc đồng tâm này tạo ra hiệu ứng thị giác lung linh, làm tăng tính thẩm mỹ, sự sang trọng.

Saga Stella Rectangle 71836-SVSVSV-2 cuốn hút với họa tiết Guilloché tinh xảo, lấy cảm hứng từ những đường vân vỏ sò, tạo nên vẻ đẹp đầy mê hoặc và sang trọng.
Tham khảo thêm: Các họa tiết Guilloché nổi bật trên đồng hồ
11. Sơn mài
Sơn mài là kỹ thuật trang trí lâu đời nhất, có nguồn gốc từ châu Á, đặc biệt phổ biến trong nghệ thuật Nhật Bản và Trung Quốc. Mặt số sơn mài vừa thể hiện trình độ thủ công bậc thầy, vừa tôn vinh giá trị văn hóa nghệ thuật qua từng đường nét tinh tế.
Tương tự mặt số xà cừ, mặt sơn mài cũng mang vẻ đẹp độc bản vì chế tác bằng tay nên không có hai chiếc đồng hồ hoàn toàn giống nhau.
Không chỉ cuốn hút về thị giác, lớp sơn mài còn có độ bền cao, chống trầy xước, bền màu theo thời gian. Các thương hiệu danh tiếng như Chopard (L.U.C XP Urushi), Seiko (Presage Urushi), Vacheron Constantin hay Jaquet Droz đã ứng dụng kỹ thuật này để tạo ra những tuyệt tác mang đậm dấu ấn nghệ thuật và văn hóa.

12. Dùng vải lanh
Mặt số Linen có bề mặt tạo bởi đường vân nhỏ đan xen theo chiều dọc và ngang, mang đến hiệu ứng giống như vải lanh. Nhờ kết cấu đặc biệt này, mặt số không chỉ có vẻ ngoài thanh lịch mà còn tạo cảm giác chạm thú vị.
Dù ít xuất hiện trên các mẫu hiện đại, thiết kế này vẫn được giới sưu tầm đánh giá cao bởi vẻ đẹp cổ điển, kỹ thuật chế tác tinh xảo.
Khi tiếp xúc với ánh sáng, bề mặt này phản chiếu theo nhiều hướng khác nhau, tạo hiệu ứng thị giác độc đáo, giúp mặt số có chiều sâu, thu hút hơn. Đây là lựa chọn lý tưởng cho ai yêu thích sự tinh tế pha chút hoài niệm. Một ví dụ làm nổi bật mô hình độc đáo này là Rolex Datejust.

13. Khảm đá
Mặt số đính đá toát lên vẻ sang trọng, khẳng định gu thẩm mỹ tinh tế của người sở hữu. Những viên kim cương, moissanite, sapphire hay pha lê cao cấp như Swarovski được sắp đặt tỉ mỉ, tạo hiệu ứng lấp lánh cuốn hút ngay từ ánh nhìn đầu tiên.
Xuất hiện từ thế kỷ 18, những thiết kế đính đá nhanh chóng vượt qua chức năng xem giờ, trở thành biểu tượng của sự xa hoa, quyền lực. Đến thế kỷ 20, nhờ công nghệ chế tác phát triển, phong cách này ngày càng phổ biến nhưng vẫn giữ nét đẳng cấp riêng.
Khảm đá là kỹ thuật đòi hỏi sự chính xác cùng tay nghề thủ công điêu luyện. Chỉ viên đá đạt tiêu chuẩn về độ sáng, màu sắc, kích thước đồng đều mới có thể tạo nên một tổng thể hài hòa, mang đến vẻ đẹp tinh xảo đầy mê hoặc.

14. Matte (dạng mờ)
Mặt số Matte nổi bật lớp hoàn thiện không phản chiếu, giúp cải thiện đáng kể khả năng đọc giờ trong mọi điều kiện ánh sáng. Bề mặt mờ, khuếch tán ánh sáng mang đến vẻ ngoài tối giản, hiện đại, phù hợp với ai yêu thích phong cách tinh tế.
Mặt số Matte thường xuất hiện trên đồng hồ quân đội, gắn liền với tính thực dụng và độ bền. Các thương hiệu như Panerai, IWC, Tudor, Rolex (trên một số mẫu Explorer, Submariner vintage) đã góp phần biến thiết kế này thành biểu tượng của sự mạnh mẽ, phong cách tối giản.

15. Skeleton
Xuất hiện vào thế kỷ 19, đây là thiết kế vừa phức tạp vừa tối giản. Đơn giản vì loại bỏ gần như toàn bộ chi tiết trên bề mặt, chỉ giữ lại phần cọc số, giúp người dùng vừa xem giờ vừa ngắm nhìn bộ máy bên trong.
Sự phức tạp thể hiện ở việc phần khung và chi tiết máy phải trau chuốt, chạm khắc tinh xảo để đảm bảo thẩm mỹ, chất lượng vận hành.
Thương hiệu danh tiếng như Audemars Piguet, Vacheron Constantin, Hublot, Cartier, Zenith đều có những tuyệt phẩm Skeleton, hướng đến giới trung – thượng lưu.
Ngoài ra, còn có thiết kế Open Heart (lộ tim) – để lộ một phần bộ máy, thường là bánh xe cân bằng, giúp người đeo chiêm ngưỡng nhịp đập của cỗ máy thời gian.
Bên cạnh đó, Semi-Skeleton (bán lộ) là sự kết hợp giữa Skeleton và mặt số truyền thống, chỉ hé lộ một phần cơ chế bên trong, tạo điểm nhấn tinh tế mà vẫn giữ được sự thanh lịch.

Trên đây là các loại mặt đồng hồ đeo tay phổ biến nhất hiện nay. Bạn đã biết những loại mặt nào, bình luận cho mình biết với nhé!
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Giải mã cọc số đồng hồ & Phân loại các thiết kế
Các loại dây đồng hồ kim loại thịnh hành nhất
Đồng hồ Vintage là gì? Lý giải sức hút vượt thời gian
Các loại dây đồng hồ phổ biến – Đặc điểm chi tiết & cách chọn
Case Back là gì? Các loại nắp lưng đồng hồ
Đá Swarovski – “Vũ khí quyến rũ” của đồng hồ thời trang
Đồng hồ Dress Watch là gì? Cách nhận diện & lựa chọn
Nhận biết 20 loại kim đồng hồ kinh điển ứng dụng chế tác
THẢO LUẬN