Đồng hồ Vintage là gì? Lý giải sức hút vượt thời gian

Đồng hồ Vintage là gì? Lý giải sức hút vượt thời gian

Mỗi chiếc đồng hồ Vintage là một mảnh ghép thời gian, tái hiện trọn vẹn tinh hoa của một thời kỳ đã qua, mang trong mình sức hút hoài niệm mà không một thiết kế hiện đại nào có thể thay thế.

MỤC LỤC

› Đồng hồ Vintage là gì?

› Sự thật: Tại Việt Nam đồng hồ Vintage chỉ đồng hồ có thiết kế cổ điển

1. Phân biệt thuật ngữ Vintage và Classics

2. Cách hiểu về đồng hồ Vintage tại Việt Nam

› Đặc điểm của đồng hồ cổ điển so với tân cổ điển và hiện đại

› Điều gì tạo nên sức hút của đồng hồ Vintage

1. Thiết kế vượt thời gian kết hợp với sự thú vị của hiện đại

2. Có độ bền lâu dài, tốt nhất sử dụng lâu dài

3. Thể hiện giá trị đồng tiền khi sở hữu một phần của lịch sử

› Những thông tin thú vị liên quan đến đồng hồ vintage (thiết kế cổ điển)

1. Xuất hiện ở hầu hết dáng đồng hồ

2. Thuật ngữ Neo-Vintage ra đời

Đồng hồ Vintage là gì?

Trong thế giới đồng hồ, thuật ngữ Vintage dùng để chỉ những cỗ máy thời gian mang phong cách cổ điển có tuổi đời từ 20 đến 100 năm tính từ thời điểm hiện tại. Ví dụ, vào năm 2025, một mẫu sản xuất từ năm 1990 trở về trước có thể xem là Vintage.

Cận cảnh chiếc đồng hồ Vintage Longines Flagship vàng hồng trường tồn suốt 67 năm kể từ 1958

Chiếc Longines Flagship vàng hồng vintage trường tồn suốt 67 năm kể từ 1958

Nếu vượt mốc 100 năm, nó sẽ xếp vào loại Antique (đồng hồ cổ vật). Trong khi đó, thiết kế đã qua sử dụng nhưng chưa đủ tuổi để gọi là Vintage sẽ gọi là Pre-owned (đồng hồ đã qua sử dụng).

Hiện nay, vẫn chưa có sự thống nhất tuyệt đối về cột mốc thời gian của Vintage. Một số chuyên gia cho rằng 20 – 25 năm đã đủ điều kiện, trong khi số khác cho rằng mốc phù hợp phải là 25 – 30 năm.

Ngay cả nguồn gốc của từ “Vintage” cũng là một đề tài gây tranh cãi. Theo nhiều tài liệu, từ này xuất hiện từ đầu thế kỷ 15, có nguồn gốc từ tiếng Pháp cổ “vendage”, nghĩa là “vụ thu hoạch nho để làm rượu vang”. 

Đến khoảng giữa thế kỷ 18, ý nghĩa của “Vintage” dần mở rộng, ám chỉ tuổi hoặc năm sản xuất của một loại rượu vang. Cuối thế kỷ 19, thuật ngữ này tiếp tục sử dụng theo nghĩa rộng hơn để mô tả vật thể thuộc về một thời kỳ trước đó.

Điều chắc chắn là thuật ngữ “Vintage” lần đầu tiên dùng cho ô tô vào năm 1928. Tuy nhiên, thời điểm chính xác khi nó bắt đầu sử dụng cho lĩnh vực chế tác vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải.

Sự thật: Tại Việt Nam đồng hồ Vintage chỉ đồng hồ có thiết kế cổ điển

1. Phân biệt thuật ngữ Vintage và Classics

Cả Vintage và Classic đều mang nghĩa cổ điển nhưng trong thế giới đồng hồ, hai thuật ngữ này có sự khác biệt rõ rệt.

Như đề cập ở trên, đồng hồ Vintage chỉ mẫu có tuổi đời từ 20 – 100 năm, mang giá trị lịch sử, thiết kế hoài cổ.

Classic Watch đề cập đến mẫu có thiết kế đơn giản, thanh lịch, mang phong cách truyền thống, không chạy theo xu hướng. Thuật ngữ này hoàn toàn không phụ thuộc vào tuổi đời của sản phẩm. Dù sản xuất năm 1950 hay 2025, nếu mang thiết kế nhã nhặn, trang trọng, không quá phá cách, vẫn có thể coi là Classic.

Ví dụ: Một chiếc Rolex Datejust 2023 với mặt số đơn giản, kim thanh mảnh, dây Jubilee sang trọng có thể gọi là Classic nhưng không phải Vintage.

2. Cách hiểu về đồng hồ Vintage tại Việt Nam

Tại Việt Nam, “Vintage” không chỉ dùng để chỉ đồng hồ có tuổi đời 20 – 100 năm mà còn ám chỉ thiết kế mang phong cách hoài cổ, gợi nhớ về các thập kỷ trước. 

Chúng ta đã có các thuật ngữ như đồng hồ cổ, đồng hồ cũ nên đồng hồ vintage dường như được hiểu thiên về ý nghĩa phong cách cổ điển hơn là tuổi đời của nó. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhiều mẫu đồng hồ mới ra mắt, dù sở hữu công nghệ tiên tiến, vẫn được gắn mác “Vintage” nếu chúng mang trong mình hơi thở của quá khứ.

Trên tay mẫu là đồng hồ Saga Stella Rectangle lấy cảm hứng từ Cartier Tank mang hơi thở cổ điển của thập niên 90

Saga Stella Rectangle 71836-SVSVSV-2 lấy cảm hứng từ Cartier Tank mang hơi thở cổ điển của thập niên 90

Các yếu tố thường thấy ở một thiết kế mang phong cách Vintage tại Việt Nam bao gồm:

Kích thước nhỏ gọn, thanh lịch

  • Thường từ 32mm – 38mm với dress watch và 36mm – 40mm với sport watch.
  • Viền bezel mỏng, tạo cảm giác tinh tế, cổ điển.

Cọc số và bộ kim đặc trưng

  • Cọc số La Mã, Ả Rập kiểu cổ điển hoặc baton thanh mảnh.
  • Kim Dauphine, Leaf hoặc Breguet – những thiết kế phổ biến trên đồng hồ xưa.

Mặt số hoài cổ

  • Vân Guilloché, Sunburst nhẹ hoặc mặt số sơn mài đặc trưng.
  • Một số mẫu có mặt số phụ nhỏ (sub-dial) cho kim giây hoặc chronograph.
  • Logo và chữ số mang hơi hướng cổ điển, không theo phong cách công nghiệp hiện đại.

Vật liệu mang dấu ấn thời gian

  • Kính acrylic hoặc hesalite thay vì kính sapphire hiện đại.
  • Dây da patina tự nhiên, dây thép dạng mắt nhỏ như Jubilee, Beads of Rice.

Cảm giác hoài niệm trong bộ máy

  • Cơ chế lên cót tay hoặc automatic với tần số dao động thấp (18.000 – 21.600 vph), mang lại chuyển động mượt mà như những cỗ máy thời xưa.
Breguet Classique 7147 với thiết kế đậm nét cổ điển cổ điển. Kim Breguet nung xanh, mặt số tráng men Grand Feu, cọc số Ả Rập mềm mại và dây da cá sấu nâu tạo nên một tổng thể hài hòa, sang trọng

Breguet Classique 7147 là hiện thân của vẻ đẹp cổ điển đích thực. Kim Breguet nung xanh, mặt số tráng men Grand Feu, cọc số Ả Rập mềm mại và dây da cá sấu nâu tạo nên một tổng thể hài hòa, sang trọng

Vì vậy, dù theo chuẩn quốc tế, đồng hồ Vintage phải có tuổi đời nhất định song tại Việt Nam, các mẫu mang phong cách cổ điển cũng thường gọi là Vintage, bất kể năm sản xuất.

Đặc điểm của đồng hồ cổ điển so với tân cổ điển và hiện đại

Bảng này sẽ sử dụng thông tin theo thuật ngữ Vintage quốc tế

Đặc điểmCổ điển – VintageTân cổ điển – Neo-VintageHiện đại – Modern
Năm sản xuất1925 – 19901990 – 20102010 – nay
Thiết kế đặc trưngNhỏ gọn (34-38mm), mặt số tối giản, kính acrylicGiữ nét cổ điển, kích thước lớn hơn (38-41mm), kính sapphireĐa dạng phong cách, kích thước lớn (40-45mm), vật liệu tiên tiến
Bộ máyMáy cơ truyền thống (Hand-winding, Automatic)Máy cơ cải tiến với độ chính xác cao hơn (Co-Axial, bộ thoát silicon) Máy cơ cao cấp (silicon, bộ thoát không cần dầu), máy quartz thế hệ mới, smartwatch, hybrid
Tần số dao động18.000 – 21.600 vph28.800 vph28.800 – 36.000 vph
Dạ quangRadium (trước 1962) hoặc TritiumTritium (trước 1999) hoặc Super-LumiNovaSuper-LumiNova hoặc tương đương (Chromalight của Rolex)
Tính năng đi kèmChỉ có chức năng cơ bản như 3 kim, lịch ngàyBổ sung thêm GMT, Moonphase, ChronographTính năng phức tạp như Tourbillon, Smart Features, GPS
Dây đeoMắt dây rỗng, kim loại gấp, nhẹMắt dây đặc, khóa cài đơn giảnMắt dây đặc hoàn toàn, khóa có điều chỉnh nhanh

Trong thế giới đồng hồ, các khái niệm Vintage, Neo-Vintage và Modern không cố định mà thay đổi theo thời gian. Một mẫu hiện đại hôm nay có thể trở thành biểu tượng cổ điển trong tương lai.

Đến năm 2050, chiếc Neo-Vintage của hiện tại sẽ bước vào danh mục Vintage, trong khi các thiết kế đương đại ngày nay sẽ dần được xem là Neo-Vintage.

Điều gì tạo nên sức hút của đồng hồ Vintage

1. Thiết kế vượt thời gian kết hợp với sự thú vị của hiện đại

Đồng hồ Vintage là hiện thân của thời kỳ huy hoàng trong lịch sử chế tác, phản ánh đặc trưng của từng giai đoạn. Từ những mẫu dress watch thanh lịch với vỏ tròn mỏng thập niên 1950, mặt số Art Deco tinh xảo của thập niên 1920, đến thiết kế thể thao mạnh mẽ của thập niên 1970. Mỗi chiếc đều mang nét đặc trưng riêng, tái hiện tinh thần và phong cách của thời đại mà nó ra đời.

Điểm nổi bật của chúng nằm ở sự cân đối trong thiết kế, mặt số tinh giản có chiều sâu, kết hợp cùng các chi tiết đặc trưng như kim dauphine, cọc số dạng baton hoặc kiểu chữ Ả Rập cổ điển. Dù xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước, chúng vẫn giữ sức hấp dẫn vượt thời gian, trở thành nguồn cảm hứng cho các thương hiệu hiện đại.

Ngày nay, nhiều thương hiệu danh tiếng như Patek Philippe, Omega, Rolex, Longines đã tái hiện những biểu tượng của quá khứ với sự nâng cấp về bộ máy, vật liệu và kỹ thuật chế tác. Sự kết hợp giữa giá trị lịch sử và công nghệ hiện đại giúp cỗ máy thời gian này không chỉ mang vẻ đẹp hoài cổ mà còn phù hợp với nhu cầu sử dụng trong thế kỷ 21.

2. Có độ bền lâu dài, tốt nhất sử dụng lâu dài

Không giống như các sản phẩm thời trang nhanh chóng lỗi mốt, những thiết kế cổ điển được chế tác với chất lượng vượt trội, có thể hoạt động bền bỉ qua nhiều thập kỷ nếu bảo dưỡng đúng cách.

Các thương hiệu danh tiếng như Rolex, Omega, Patek Philippe, Vacheron Constantin luôn sử dụng vật liệu cao cấp như thép không gỉ 316L, vàng nguyên khối hoặc bạch kim để chế tác vỏ, giúp chúng chống chịu tốt với thời gian.

Việc đồng hồ vintage vẫn hoạt động tốt sau hàng chục năm phản ánh kỹ thuật chế tác tinh xảo của thế kỷ trước. Tiêu biểu như huyền thoại Patek Philippe Calatrava 96 (1932) với thiết kế tối giản, bộ máy lên cót tay vẫn hoạt động ổn định dù đã gần 100 năm tuổi.

3. Thể hiện giá trị đồng tiền khi sở hữu một phần của lịch sử

Mỗi chiếc đồng hồ Vintage đều mang trên mình dấu ấn của một thời kỳ, gắn liền với sự kiện quan trọng và nhà chế tác huyền thoại. Khi sở hữu thiết kế từ thương hiệu danh tiếng như Rolex, Omega, Patek Philippe, Audemars Piguet,…là bạn đang đầu tư vào giá trị vượt thời gian. 

Ví dụ:

  • Omega Speedmaster 2915-1 (1957) – mẫu thiết kế đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, một biểu tượng không thể thay thế trong lịch sử, từ vài trăm USD khi ra mắt đã đạt 3,4 triệu USD tại phiên đấu giá của Phillips năm 2021.
  • Rolex Daytona “Paul Newman” Ref. 6239 (1960s) – là biểu tượng của huyền thoại điện ảnh Paul Newman. Từ mức giá gốc khoảng 200 USD đã bán với 17,8 triệu USD vào năm 2017.
Cận cảnh chiếc đồng hồ Vintage của Omega được bán với giá 3,4 triệu USD phá kỷ lục thế giới

Chiếc Omega Speedmaster cán mốc 3,4 triệu USD phá kỷ lục thế giới

Sở hữu một chiếc Vintage đồng nghĩa với việc bạn đang nắm giữ một phần lịch sử chế tác đồng hồ, một tác phẩm nghệ thuật cơ khí không bao giờ lỗi thời và ngày càng gia tăng giá trị theo năm tháng. Cỗ máy thời gian này không lỗi mốt, càng cũ càng có giá trị, và theo thời gian, chúng trở thành tài sản hiếm có, ngày càng gia tăng giá trị cả về mặt sưu tầm lẫn đầu tư.

Những thông tin thú vị liên quan đến đồng hồ vintage (thiết kế cổ điển)

1. Xuất hiện ở hầu hết dáng đồng hồ

Dù mang phong cách hoài cổ, dáng đồng hồ cổ điển lại rất đa dạng với nhiều hình dáng khác nhau.

Dáng tròn: Kiểu dáng phổ biến nhất, đại diện cho sự thanh lịch và cổ điển. Một số mẫu như Rolex Datejust, Omega Constellation hay Longines Heritage mang thiết kế tròn với mặt số tối giản, kim mảnh và cọc số thanh thoát, tạo nên vẻ đẹp vượt thời gian.

Chiếc Rolex vinatge với thiết kế dáng tròn tối giản

Dáng vuông: Gắn liền với phong cách Art Deco của đầu thế kỷ 20, dáng vuông mang lại sự mạnh mẽ, cá tính, sang trọng. Điển hình là TAG Heuer Monaco hay Cartier Santos, mang đậm hơi thở cổ điển nhưng vẫn có sức hút qua nhiều thập kỷ.

3 thiết kế đồng hồ Vintage dáng vuông đến từ nhà Cartier, DW và Saga Stella

Dáng chữ nhật: Biểu tượng của sự tinh tế và sang trọng, thường thấy trong mẫu dress watch cao cấp. Cartier Tank, Jaeger-LeCoultre Reverso là hai dòng đồng hồ chữ nhật huyền thoại, được giới thượng lưu ưa chuộng nhờ thiết kế thanh lịch, dễ phối đồ.

Chiếc Cartier Tank mang thiết kế cổ điển với cọc số la mã và kim Swords

Dáng Tonneau: Độc đáo và có phần phá cách, dáng tonneau mang đến nét quyến rũ cổ điển với đường cong mềm mại. Thương hiệu như Franck Muller Curvex, Vacheron Constantin Malte đã làm nên danh tiếng cho thiết kế này.

Một thiết kế đồng hồ vintage dáng Tonneau đến từ thương hiệu Cartier

Dáng Cushion: Sự giao thoa giữa dáng tròn và vuông, mang lại cảm giác mềm mại vẫn cứng cáp. Các mẫu như Panerai Radiomir, Rolex Bubbleback đại diện cho phong cách hoài cổ, đầy nam tính.

Tuy nhiên, ở thiết kế dành cho nữ, dáng Cushion lại mở ra một thế giới hoàn toàn khác biệt. Nó khiến thiết kế tăng thêm sự nữ tính, sự mềm mại và duyên dáng. Những đường cong uyển chuyển ôm trọn cổ tay, kết hợp cùng những chi tiết tinh xảo, tạo nên một vẻ đẹp thanh lịch, quyến rũ, một sự giao thoa hoàn hảo giữa nét cổ điển và hiện đại.

Đồng hồ Saga với thiết kế dáng Cushion vừa hiện đại vừa cổ điển

Saga với thiết kế lấy cảm hứng từ cối xay gió, kết hợp dáng vỏ cushion mềm mại, tạo nên vẻ đẹp thanh lịch và uyển chuyển

2. Thuật ngữ Neo-Vintage ra đời

“Tân cổ điển đại diện cho phong cách hướng tới tương lai”

Thuật ngữ Neo-Vintage dùng để chỉ mẫu đồng hồ sản xuất trong khoảng cuối thập niên 1990 đến đầu 2010. Đây là giai đoạn chuyển mình của ngành chế tác, nơi giá trị truyền thống vẫn được bảo tồn, đồng thời có sự hòa quyện với cải tiến hiện đại.

Đồng hồ Neo-vintage đến từ Seiko giao thoa giữa thiết kế cổ điển và hiện đại

Nếu đồng hồ Vintage đại diện cho một thời kỳ đã qua, còn Modern mang tính đương đại, thì Neo-Vintage chính là sự cân bằng hoàn hảo giữa cả hai thế giới. Thiết kế thuộc phân khúc này vẫn giữ tinh thần cơ khí thuần túy nhưng chế tác với công nghệ tiên tiến hơn để tối ưu độ chính xác và độ bền.

Hiện nay, Neo-Vintage ngày càng được săn đón vì:

  • Cổ điển, không lỗi thời – Giữ trọn tinh thần thiết kế của quá khứ nhưng vẫn đáp ứng tiêu chuẩn hiện đại, từ vật liệu, bộ máy đến trải nghiệm đeo.
  • Hiếm có, khó tìm – Nhiều mẫu đã ngừng sản xuất, số lượng ngày càng khan hiếm, khiến giá trị sưu tầm tăng mạnh theo thời gian.
  • Dành cho người có gu – Không quá “cũ” như Vintage, không quá phổ biến như Modern, Neo-Vintage mang đến vẻ đẹp tinh tế, khác biệt, dành cho ai hiểu rõ giá trị thật của một cỗ máy thời gian.
Chia sẻ này có hữu ích cho bạn?
Hữu ích
Không hữu ích

THẢO LUẬN

Chưa có thảo luận nào.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *