Giải mã cọc số đồng hồ & Phân loại các thiết kế

Giải mã cọc số đồng hồ & Phân loại các thiết kế

Một chiếc đồng hồ có thể gây ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên nhờ… cọc số. Từ La Mã cổ điển, Breguet thanh lịch, đến vạch tối giản – đâu là kiểu cọc số đồng hồ khiến bạn mê mẩn? Cùng Saga Việt Nam khám phá ngay ở bài viết dưới đây.

MỤC LỤC

› Cọc số đồng hồ là gì?

› 9 loại cọc số theo thiết kế

1. Cọc số La Mã

2. Cọc số Ả Rập (Arabic numerals)

3. Cọc số dạng vạch (Stick/Baton markers)

4. Cọc số Breguet

5. Cọc số mũi tên (Arrow markers)

6. Cọc số đính đá/quý (Jewelry markers)

7. Cọc số tròn (Dot markers)

8. Cọc số kết hợp

9. Không cọc số

› 5 kiểu cọc số theo bố cục

1. Đầy đủ số (Full Layout)

2. Chỉ số chẵn (Even layout)

3. Số ở vị trí 3-6-9-12 (Quarter layout)

4. Chỉ có số 6 và 12 (6-12 layout)

5. Chỉ có số 12 (12 layout)

› Cách thể hiện cọc trên mặt số

1. In lên mặt số

2. Gắn nổi trên mặt số

Cọc số đồng hồ là gì?

Cọc số đồng hồ là các ký hiệu hoặc dấu hiệu được bố trí trên mặt số để hiển thị thời gian, giúp người đeo dễ dàng xác định giờ và phút. Không chỉ hỗ trợ xem giờ, chúng còn góp phần định hình phong cách, tăng tính thẩm mỹ của cho thiết kế.

Cọc số đồng hồ là các ký hiệu được bố trí trên mặt số để thể hiện thời gian

Saga Stella 53643-RGGRRG-2 có thiết kế sang trọng với cọc số dạng vạch từ thép không gỉ mạ vàng, kết hợp đá Swarovski lấp lánh, tạo điểm nhấn tinh tế

Thông thường, đồng hồ đeo tay có 12 hoặc 24 cọc, tương ứng với hệ thống giờ phổ biến. Tuy nhiên, cách sắp xếp, thiết kế có thể khác nhau tùy theo phong cách của từng thương hiệu.

Cọc số đồng hồ được chế tác từ nhiều chất liệu khác nhau như thép không gỉ, vàng, kim cương, ruby,… mang đến những sắc thái thẩm mỹ riêng, từ thanh lịch, cổ điển đến hiện đại, đẳng cấp.

9 loại cọc số theo thiết kế

Cọc số trong thế giới đồng hồ được thể hiện đa dạng phù hợp với ngôn ngữ thiết kế của từng mẫu.

1. Cọc số La Mã

Kiểu cọc số đồng hồ này sử dụng 12 chữ số La Mã (I, II, III,…) để biểu thị 12 giờ trên mặt số, mang đậm nét cổ điển, sang trọng.

Điểm thú vị là ở vị trí 4 giờ, thay vì dùng “IV” theo quy tắc thông thường, nhiều thương hiệu lại chọn “IIII” để tạo sự cân đối về mặt thị giác và thể hiện sự tôn kính với thần Jupiter trong thần thoại La Mã (tên gốc là IVPITER). Nhưng vẫn có một số thương hiệu như Frederique Constant sử dụng “IV” nhằm tạo dấu ấn riêng trong thiết kế của mình.

Mẫu đeo chiếc Saga Stella Ractangle với thiết kế cổ điển mặt vuông với cọc số La Mã

Saga Stella Rectangle 71836-SVSVSV-2 mang hơi thở cổ điển thập niên 90, tái hiện qua mặt số chữ nhật và cọc La Mã thanh lịch

Cọc La Mã là kiểu phổ biến nhất, xuất hiện trên đồng hồ của nhiều quốc gia như Nhật Bản, Thụy Sỹ, Đức, Anh…với mục đích mang lại phong cách cổ điển, tinh tế. Đây là lựa chọn hoàn hảo dành cho ai yêu thích sự truyền thống, thanh lịch, đẳng cấp.

2. Cọc số Ả Rập (Arabic numerals)

Có hai hình thức của cọc số Ả Rập:

  • Cọc số theo tiếng Ả Rập phương Tây

Hay còn gọi là “hoa học trò”, sử dụng chữ số từ 1 đến 12 để hiển thị thời gian trên mặt số. Kiểu này có thể xuất hiện với nhiều phong cách khác nhau từ đơn giản, thanh thoát đến cách điệu đầy nghệ thuật.

Ban đầu, chúng thường xuất hiện trên đồng hồ bỏ túi từ thế kỷ 16 và các thiết kế treo tường cổ điển. Ưu điểm nổi bật là dễ nhìn, dễ đọc mang đến vẻ đẹp trẻ trung, gần gũi. Là sự lựa chọn quen thuộc cho ai yêu thích sự đơn giản, thanh lịch.

Mẫu đeo chiếc Saga Stella cọc số hoa học trò được cách điệu tăng thêm sự cổ điển cho thiết kế

Saga Stella 53768-LGBNLG-2 có cọc số Ả Rập cách điệu đầy nghệ thuật, tôn lên vẻ đẹp độc đáo và cổ điển cho mặt số

  • Cọc số theo tiếng Ả Rập phương Đông

Còn gọi là chữ số Ấn – Ả Rập, là hệ ký hiệu dùng để biểu diễn số trong ngôn ngữ Ả Rập, phổ biến ở khu vực Trung Đông. Những chữ số này thường xuất hiện trên đồng hồ dành cho thị trường Ả Rập. Một ví dụ tuyệt vời về cọc số này là Rolex Day-Date mặt số xanh băng.

Rolex Day - Date với cọc số theo tiếng Ả Rập phương Đông

Chiếc Rolex Day – Date mặt số xanh băng ấn tượng nổi bật với cọc số Ả Rập theo tiếng Ả Rập phương Đông

Sơ lược về lịch sử của Cọc số Ả Rập Rolex: Những năm 1950, Rolex nhận ra tiềm năng của Trung Đông, đặc biệt là các quốc gia giàu dầu mỏ, và giới thiệu mặt số Ả Rập để thu hút khách hàng thượng lưu. Ban đầu, dòng đồng hồ này được vua chúa, sultan và giới giàu có ưa chuộng, trở thành biểu tượng của sự xa xỉ.

Sản xuất Rolex mặt số Ả Rập kéo dài đến những năm 1970 trước khi tạm dừng. Đến 2016, Rolex hồi sinh mẫu Day-Date mặt số Ả Rập với số lượng giới hạn, trong đó có phiên bản xanh băng nổi bật. Ngày nay, dòng đồng hồ này không chỉ phổ biến tại Trung Đông mà còn được giới thượng lưu trong thể thao, giải trí và âm nhạc săn đón.

3. Cọc số dạng vạch (Stick/Baton markers)

Cọc số đồng hồ dạng vạch sử dụng các đường thẳng thanh mảnh, đôi khi được vát cạnh để tạo hiệu ứng phản chiếu ánh sáng, giúp mặt số trông hiện đại, tinh tế hơn.

Phong cách này định hình từ phong trào Bauhaus của Đức (1920–1930), với triết lý “hình thức đi sau chức năng”. Đặc điểm của kiểu này là loại bỏ chi tiết thừa, chỉ giữ lại những vạch đơn giản giúp dễ đọc, tạo vẻ tối giản, thanh lịch.

Saga Stella hình giọt nước với thiết kế cọc số dạng vạch tinh tế, đơn giản nhưng cuốn hút

Saga Stella 71865-SVBLSV-2S với thiết kế hình giọt nước mềm mại, kết hợp cọc dạng vạch tinh xảo, mang đến nét đẹp thanh lịch cuốn hút

Nhiều sản phẩm từ thương hiệu như Saga, Longines hay IWC sử dụng cọc dạng vạch để tạo sự sang trọng tinh tế.

4. Cọc số Breguet

Cọc số Breguet đặt theo tên nhà chế tác đồng hồ huyền thoại Abraham-Louis Breguet. Đây thiết kế mang tính biểu tượng, thể hiện sự tinh tế thanh lịch trong nghệ thuật chế tác.

Breguet sáng tạo kiểu cọc này vào cuối thế kỷ 18, kiểu chữ số này có nét cong nhẹ, đường nét sắc sảo nhưng vẫn mềm mại, tạo nên vẻ đẹp cổ điển mà sang trọng. Ban đầu, chữ số Breguet xuất hiện trên mặt số tráng men trước Cách mạng Pháp, thường đi kèm chi tiết trang trí như ngôi sao nhỏ đánh dấu phút và hoa loa kèn cách nhau năm phút.

Ngày nay, chữ số Breguet vẫn là dấu ấn đặc trưng trên đồng hồ cao cấp, đặc biệt là dòng dress watch của thương hiệu Breguet, cũng như một số mẫu từ Patek Philippe, Vacheron Constantin.

Cọc số đồng hồ biểu tượng của thương hiệu Breguet

Vị trí 12 giờ mang kiểu thiết kế Breguet đặc trưng, thể hiện tinh thần chế tác đồng hồ đẳng cấp

5. Cọc số mũi tên (Arrow markers)

Cọc số đồng hồ này có hình dáng nhọn giống mũi tên, thường hướng về trung tâm mặt số, tạo điểm nhấn mạnh mẽ, dễ nhận diện.

Loại này thường xuất hiện ở vị trí 12 giờ, sử dụng phổ biến trong thiết kế của Rolex, Tudor. Thông thường, cọc mũi tên sẽ kết hợp với kiểu cọc khác để tạo nên tổng thể hài hòa, đồng thời nhấn mạnh phong cách thể thao, khỏe khoắn.

Cọc số mũi tên phủ dạ quang ở 4 mốc 3, 6, 9, 12 giờ trên đồng hồ Certina

6. Cọc số đính đá/quý (Jewelry markers)

Thay vì sử dụng số hoặc vạch kẻ, cọc số đồng hồ này thay thế bằng kim cương, đá quý hoặc đá Swarovski để đánh dấu giờ.

Kiểu thiết kế này thường xuất hiện trên dòng sản phẩm cao cấp, đặc biệt là đồng hồ nữ nhằm tôn lên sự sang trọng, quý phái. Thương hiệu như Rolex, Chopard, Piaget thường sử dụng kiểu này trong bộ sưu tập đồng hồ đính kim cương của họ.

Cọc số đính đá Swarovski vừa tinh gọn mặt số vừa cuốn hút

Saga 71993-SVMWSV-2 đính đá Swarovski tại bốn vị trí 3-6-9-12 tạo nên vẻ đẹp cân đối, tinh tế

7. Cọc số tròn (Dot markers)

Cọc số dạng tròn có thể là chấm nhỏ đơn giản hoặc chấm phát quang (lume dots) giúp tăng khả năng đọc trong điều kiện thiếu sáng.

Cọc số tròn phủ dạ quang trên thiết kế đồng hồ kiểu dáng thể thao của Seiko

Cọc tròn phủ dạ quang, tối ưu khả năng quan sát giờ trong môi trường thiếu sáng, đặc biệt khi lặn dưới nước

Kiểu này thường xuất hiện trên mẫu đồng hồ lặn, quân đội hoặc thể thao như Rolex Submariner, Omega Seamaster, Panerai Luminor.

8. Cọc số kết hợp

Một số thương hiệu không sử dụng một kiểu cọc số đồng hồ cố định mà kết hợp nhiều kiểu khác nhau trên cùng một mặt số để tạo sự độc đáo.

Saga với sự kết hợp giữa cọc số dạng vạch và cọc số đính đá Swarovski

Saga Moment of Luo Goddess thiết kế đuôi cá mềm mại, kết hợp vạch ở vị trí 12 giờ, đá Swarovski tại vị trí 6 giờ, mang đến vẻ đẹp vừa hiện đại vừa bay bổng

Ví dụ: Rolex Explorer sử dụng cọc Ả Rập ở vị trí 3-6-9 kết hợp với cọc vạch ở vị trí còn lại. Trong khi đó, Omega Speedmaster thường kết hợp giữa cọc Ả Rập và vạch chỉ phút để tăng tính thể thao và dễ đọc.

9. Không cọc số

Đây là thiết kế tối giản, loại bỏ hoàn toàn cọc số đồng hồ. Dòng dress watch cao cấp thường sử dụng phong cách này để tạo sự tinh tế, thanh lịch.

Ngoài ra, mẫu skeleton (lộ máy) cũng thường không có cọc để tăng diện tích quan sát bộ máy bên trong, mang đến trải nghiệm thị giác độc đáo.

Mẫu đeo chiếc Saga Stella với thiết kế không cọc số tối giản nhưng vẫn sang trọng

Saga Stella 53623-RGBCFBCF-2 thiết kế không cọc (No markers), tạo nên vẻ đẹp tối giản, sang trọng với mặt số đính đá lấp lánh cùng khung viền phá cách

5 kiểu cọc số theo bố cục

Mỗi thương hiệu sẽ cách thể hiện bố cục cọc số khác nhau. Dưới đây là 5 kiểu bố cục phổ biến nhất.

1. Đầy đủ số (Full Layout)

Đầy đủ số là kiểu bố cục cọc số đồng hồ kinh điển, hiển thị tất cả chữ số từ 1 đến 12, giúp việc đọc giờ trở nên trực quan và dễ dàng, đặc biệt hữu ích trong tình huống khẩn cấp.

Kiểu bố cục này đặc biệt phổ biến trong thời kỳ chiến tranh (những năm 1940), khi yếu tố rõ ràng dễ nhận diện là ưu tiên hàng đầu. 

Tuy nhiên, theo dòng chảy thời gian, xu hướng thiết kế đồng hồ đã có sự thay đổi rõ rệt. Sự lên ngôi của phong cách tối giản đã khiến cọc số đồng hồ theo kiểu bố cục này dần trở nên ít phổ biến hơn. Thay vào đó, thiết kế tinh tế, lược bỏ chi tiết rườm rà, tập trung vào sự thanh lịch và hiện đại đang chiếm lĩnh thị trường.

2. Chỉ số chẵn (Even layout)

4 kiểu bố cục cọc số đồng hồ

Bố cục này chỉ hiển thị các số chẵn (2-4-6-8-10-12), tạo cảm giác hài hòa, thanh thoát và giúp mặt số thoáng đãng hơn. Cách sắp xếp này mang lại sự tối giản nhưng vẫn đảm bảo tính cân đối, giúp người dùng dễ dàng quan sát thời gian trong nháy mắt.

Phổ biến trên thiết kế hiện đại mang phong cách tối giản, đồng hồ dress watch hoặc những thiết kế Art Deco mang hơi hướng cổ điển.

3. Số ở vị trí 3-6-9-12 (Quarter layout)

Chỉ giữ lại bốn con số quan trọng, thường thấy trên mẫu đồng hồ cổ điển từ năm 1950 của Omega, Rolex. Cách sắp xếp này mang lại sự gọn gàng, giúp tập trung vào điểm mốc quan trọng mà không làm rối bố cục tổng thể. Thường đi kèm cọc dạng vạch hoặc chấm ở các vị trí còn lại để tăng tính dễ đọc.

4. Chỉ có số 6 và 12 (6-12 layout)

Loại bỏ gần như toàn bộ số, chỉ giữ lại hai số 6 và 12 để tạo sự đối xứng và nhường không gian cho các mặt số phụ (sub-dial) trên đồng hồ chronograph. Đây là bố cục quen thuộc trên đồng hồ thể thao, đồng hồ bấm giờ (stopwatch) hoặc các mẫu có nhiều chức năng hiển thị.

5. Chỉ có số 12 (12 layout)

Chỉ hiển thị duy nhất số 12 ở vị trí đỉnh mặt số, trong khi vị trí còn lại được đánh dấu bằng vạch, chấm hoặc để trống hoàn toàn. Kiểu thiết kế này tạo điểm nhấn mạnh mẽ, giúp người đeo dễ dàng xác định phương hướng trên mặt số mà không làm mất đi sự tối giản và tinh tế. Thường thấy trong dòng đồng hồ thanh lịch hoặc mang phong cách Bauhaus.

Cách thể hiện cọc trên mặt số

Bên trái là chiếc Orient với cọc số đồng hồ in lên mặt số. Bên phải là chiếc Saga với cọc số dạng vạch được gắn nổi trên mặt số

Bên trái là Orient với cọc số đồng hồ in lên mặt số mang phong cách cổ điển, thanh lịch, đơn giản. Bên phải là Saga Downton Night với cọc dạng vạch gắn nổi tạo cảm giác hiện đại, sang trọng có chiều sâu hơn

1. In lên mặt số

Đây là phương pháp phổ biến giúp tối ưu tính thẩm mỹ, khả năng quan sát, khi các con số hoặc ký hiệu được in trực tiếp thay vì gắn nổi hay khắc chạm. Công nghệ in ấn tiên tiến đảm bảo độ sắc nét, chính xác cao, có thể linh hoạt về kiểu dáng, màu sắc – từ tinh tế, tối giản đến phá cách.

Ưu điểm của kiểu hiển thị cọc số đồng hồ này là mang đến sự thanh thoát, gọn gàng, phù hợp với phong cách cổ điển hoặc tối giản. Mặt số phẳng giúp dễ đọc giờ mà không bị cản trở bởi chi tiết nổi. Tuy nhiên, nếu lớp in bị mờ hoặc trầy xước do thời gian, việc sửa chữa hoặc thay thế có thể gặp khó khăn hơn so với dạng gắn nổi.

Dù vậy, phương pháp này vẫn được ưa chuộng nhờ sự tinh tế, dễ đọc phù hợp với nhiều phong cách thiết kế khác nhau.

2. Gắn nổi trên mặt số

Thay vì in trực tiếp, cách làm này sử dụng vật liệu như kim loại, gốm, đá swarovski, đá quý hoặc nhựa, được cố định thông qua kỹ thuật gia công tinh vi. Thương hiệu cao cấp thường áp dụng công nghệ CNC để tạo độ sắc nét hoàn hảo, ngoài ra còn có phương pháp như dập nổi, phay cắt hoặc đúc khuôn nhằm tăng độ tinh xảo.

Cọc số đồng hồ gắn nổi trên mặt số giúp cải thiện khả năng đọc giờ và tăng tính thẩm mỹ, đặc biệt khi kết hợp với vật liệu phản quang hoặc đánh bóng, tạo hiệu ứng sống động trong nhiều điều kiện ánh sáng. Tuy nhiên, việc cố định đòi hỏi độ chính xác cao, nếu bị lệch hoặc bong tróc, quá trình sửa chữa có thể phức tạp hơn so với dạng in.

Tóm lại, thiết kế gắn nổi mang đến vẻ sang trọng, đẳng cấp, thường ứng dụng trong dòng đồng hồ cao cấp hoặc có phong cách đặc biệt.

Chia sẻ này có hữu ích cho bạn?
Hữu ích
Không hữu ích

THẢO LUẬN

Chưa có thảo luận nào.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *