Các loại dây đồng hồ phổ biến – Đặc điểm chi tiết & cách chọn

Các loại dây đồng hồ phổ biến - Đặc điểm chi tiết & cách chọn

Dây đeo không chỉ là phụ kiện mà còn là linh hồn thứ hai của chiếc đồng hồ, tạo nên phong cách và trải nghiệm riêng biệt. Cùng khám phá các loại dây đồng hồ phổ biến để tìm ra “chân ái” của bạn.

MỤC LỤC

› Các loại dây đồng hồ phổ biến & đặc trưng từng loại

1. Dây kim loại

1.1 Các thành phần của dây

1.2 Vật liệu và lớp hoàn hiện trên dây

1.3 Có thể gây dị ứng với làn da nhạy cảm

2. Dây da

2.1 5 kiểu dây da phổ biến

2.2 Đặc tính kỵ nước

3. Dây cao su/Silicon

4. Dây Nylon/Nato

4.1 Chất liệu tạo nên

4.2 Có 4 dạng dây vải phổ biến trên thị trường

4.3 Đặc tính phù hợp với mùa hè

5. Dây dạng lưới

6. Dây gốm Ceramic

7. Dây nhựa TPU

Các loại dây đồng hồ phổ biến & đặc trưng từng loại

1. Dây kim loại

Dây đeo kim loại (Metal Watch Bracelet) là loại dây được cấu tạo hoàn toàn từ các mắt xích kim loại, liên kết với nhau và gắn chặt vào vỏ đồng hồ, giúp cố định chắc chắn trên cổ tay. Chúng là lựa chọn phổ biến nhất trong thế giới đồng hồ vì độ bền và vẻ ngoài bóng bẩy, tinh tế phù hợp.

1.1 Các thành phần của dây

Một dây kim loại chất lượng thường gồm bộ phận sau:

  • Liên kết (Links): Các mắt xích nhỏ kết nối với nhau giúp dây linh hoạt, có thể điều chỉnh kích thước bằng cách tháo bớt hoặc thêm mắt xích.
  • Chốt giữ dây (Spring Bars): Giữ dây cố định với vỏ đồng hồ, có thể tháo lắp để thay dây dễ dàng.
  • Khóa cài (Clasp): Có thể là khóa gập, khóa bấm hoặc khóa bướm, mỗi loại mang lại cảm giác đeo khác nhau. Trong đó, khóa gập trên dây thép phổ biến nhờ tính tiện lợi.

1.2 Vật liệu và lớp hoàn hiện trên dây

Dây kim loại làm từ nhiều chất liệu khác nhau, mỗi loại có đặc tính riêng:

Thép không gỉ: Phổ biến nhất, bền bỉ, chống ăn mòn tốt, giữ độ bóng lâu dài.

Titanium: Nhẹ hơn khoảng 40% so với thép không gỉ nhưng có độ cứng cao hơn. Chất liệu này có khả năng chống trầy xước tốt hơn thép, không gây kích ứng da, dễ bị oxy hóa, tạo ra lớp patina (lớp xỉn màu) theo thời gian.

Vàng nguyên khối hoặc mạ PVD: Vàng nguyên khối thường được sử dụng trong các thương hiệu xa xỉ như Rolex, Patek Philippe, Audemars Piguet… mang đến vẻ đẹp sang trọng và giá trị lâu dài. Trong khi đó, vàng mạ PVD giúp lớp mạ bền hơn, giảm thiểu tình trạng phai màu nhanh, nhưng vẫn không thể sánh bằng độ bền của vàng nguyên khối.

Bạch kim: Là kim loại quý hiếm hơn vàng, có màu trắng bạc tự nhiên, khả năng chống xước, ăn mòn gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, bạch kim có trọng lượng nặng hơn thép cũng như vàng, tạo cảm giác chắc tay khi đeo.

Lớp hoàn thiện trên dây đeo cũng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và độ bền:

Polished (đánh bóng): Tạo vẻ ngoài sang trọng, phản chiếu ánh sáng tốt, dễ trầy xước. Thường thấy trên thiết kế dress watch.

Brushed (đánh xước mờ): Giúp che giấu vết xước nhỏ, xuất hiện nhiều trên đồng hồ thể thao.

Sandblasted (phun cát): Tạo bề mặt nhám mịn, hiện đại, ít bám vân tay.

Two-Tone (hai tông màu): Kết hợp hai màu kim loại, thường là thép và vàng để tạo điểm nhấn.

Phiên bản dây kim loại  của BST Saga Stella Chance với chất liệu thép không gỉ và lớp hoàn thiện Polished mang đến vẻ ngoài sáng bóng đầy cuốn hút

Saga Stella Chance phiên bản dây kim loại sang trọng, chế tác từ thép không gỉ cao cấp, kết hợp lớp hoàn thiện Polished, mang đến vẻ ngoài sáng bóng tinh tế đầy cuốn hút.

1.3 Có thể gây dị ứng với làn da nhạy cảm

Dây kim loại có nhiều ưu điểm như độ bền cao, khả năng chống nước tốt phù hợp với nhiều phong cách từ thể thao đến sang trọng. 

Vì dây kim loại (đặc biệt là thép không gỉ 904L) chứa 23 – 28% niken, người có làn da mẫn cảm với thành phần này cần lưu ý hơn. Ngoại trừ những thương hiệu sử dụng chất liệu thép không gỉ uy tín với quy trình xử lý bề mặt kỹ lưỡng, các hợp kim rẻ tiền ở một số loại đồng hồ cũng có thể gây kích ứng da.

2. Dây da

Các kiểu dây đồng hồ bằng da luôn là lựa chọn yêu thích nhờ sự mềm mại, nhẹ nhàng, khả năng ôm tay tốt, mang lại cảm giác thoải mái khi đeo. Đặc biệt, dây da dễ dàng điều chỉnh kích thước để phù hợp với nhiều kích cỡ cổ tay. Với sự đa dạng về màu sắc, họa tiết và kiểu dáng, chúng phù hợp với nhiều phong cách từ cổ điển, thanh lịch đến trẻ trung, năng động.

2.1 5 kiểu dây da phổ biến

Dây da bò (trơn)

Chất liệu da bò là lựa chọn phổ biến nhất trong ngành chế tác nhờ độ bền cao, bề mặt mềm mịn, dẻo dai. Da bò có kết cấu sợi collagen chắc chắn, giúp dây không dễ bị gãy hay nứt khi sử dụng lâu dài. Lỗ chân lông của da có dạng hình tròn giúp tăng khả năng thoáng khí. Với mức giá tầm trung, loại dây này xuất hiện trên nhiều mẫu từ bình dân đến cao cấp.

Dây da cá sấu

Dây da cá sấu nổi bật với độ bền cao, đường vân tự nhiên độc đáo, không có hai mẫu dây nào giống hệt nhau. Loại da này có khả năng ma sát tốt, chống trầy xước, ít bị biến dạng theo thời gian. Ngoài ra, cấu trúc da cá sấu giúp dây có độ đàn hồi nhất định, mang lại sự thoải mái khi đeo. Vì thuộc dòng da cao cấp, dây da cá sấu thường sử dụng trên thiết kế sang trọng.

Saga MOP Diamonds 71936-RGGRGR-2 dây da cá sấu

Saga MOP Diamonds 71936-RGGRGR-2 nổi bật với phiên bản màu xanh lá cuốn hút, kết hợp dây da cá sấu thật cao cấp, mang đến vẻ đẹp sang trọng, đẳng cấp

Có thể tìm hiểu thêm: Dây da cá sấu là gì? Ưu nhược điểm, cách phân biệt thật, giả

Dây da dập vân cá sấu

Đây thực chất là dây da bò hoặc da bê được xử lý bề mặt để tạo họa tiết vân cá sấu, giúp giữ vẻ ngoài cao cấp với mức giá phải chăng hơn. Chất liệu có thể là da thật hoặc giả da. Nếu là da thật, dây có tuổi thọ khoảng 6 – 12 tháng, còn nếu là da tổng hợp, tuổi thọ chỉ khoảng 3 – 6 tháng. Mặc dù không có độ bền như da cá sấu thật, dây dập vân vẫn là lựa chọn tối ưu về mặt thẩm mỹ cũng như giá thành.

Dây đeo đục lỗi (Racing hoặc Rally)

Lấy cảm hứng từ mẫu đua xe cổ điển, dây da đục lỗ thiết kế với nhiều lỗ tròn nhỏ, giúp tăng khả năng thoáng khí, đặc biệt phù hợp cho hoạt động thể thao. Không chỉ dây da, dây kim loại cũng có thiết kế đục lỗ tương tự nhằm tạo phong cách mạnh mẽ, giảm trọng lượng tổng thể của đồng hồ.

Dây Bund

Dây Bund hay dây đeo chống nhiệt có thiết kế đặc trưng với một lớp đệm da bên dưới mặt đồng hồ, giúp bảo vệ cổ tay phi công khỏi nhiệt độ cao trong trường hợp hỏa hoạn. Tuy nhiên, chính lớp đệm này khiến dây Bund có vẻ ngoài thô kệch, cồng kềnh hơn so với các loại dây da truyền thống. Dù từng rất phổ biến trong quân đội, ngày nay dây Bund ít được ưa chuộng hơn, chủ yếu xuất hiện trên các mẫu vintage hoặc dành cho người yêu thích phong cách cổ điển, mạnh mẽ.

2.2 Đặc tính kỵ nước

Các loại dây đồng hồ bằng da có đặc tính kỵ nước do cấu trúc tự nhiên của chất liệu này. Khác với kim loại hay cao su có bề mặt không thấm nước, dây da có cấu trúc xốp với hàng triệu lỗ nhỏ li ti giúp da “thở”. Điều này làm cho da dễ dàng hấp thụ độ ẩm, cũng chính là nguyên nhân khiến nước trở thành kẻ thù của dây da.

Khi nước thấm vào, sợi collagen trong da sẽ giãn nở. Sau khi nước bốc hơi, những sợi này co lại nhưng không thể trở về trạng thái ban đầu hoàn toàn, gây ra sự biến dạng, làm giảm độ bền của dây.

Ngoài ra, nếu dây da tiếp xúc với nước thường xuyên mà không làm khô đúng cách, vi khuẩn, nấm mốc có thể phát triển, gây ra mùi khó chịu, ảnh hưởng đến tuổi thọ của dây.

3. Dây cao su/Silicon

Dây cao su/ silicon là lựa chọn phổ biến trong thế giới đồng hồ thể thao và lặn nhờ vào tính linh hoạt, khả năng chống nước, độ bền vượt trội. Tuy nhìn qua có vẻ đơn giản song loại dây này có nhiều đặc điểm kỹ thuật đáng chú ý.

Dây cao su làm từ hai loại chính:

  • Cao su tự nhiên: Chiết xuất từ nhựa cây cao su, có độ bền mềm dẻo cao, cảm giác đeo dễ chịu, ít gây kích ứng da. Tuy nhiên, cao su tự nhiên có thể bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao hoặc hóa chất.
  • Silicon: Là một dạng cao su tổng hợp với độ đàn hồi tốt, chống thấm nước, chịu nhiệt cao. Nó mềm hơn cao su tự nhiên nhưng lại dễ bám bụi hơn.
Dây đồng hồ bằng chất liệu cao su đen bền bỉ đến từ thương hiệu G-Shock

G-Shock GA-100-1A2NDR trang bị dây đeo cao su đen bền bỉ, hoàn thiện nhám giúp tăng độ bám, chống trượt mang lại cảm giác chắc chắn khi đeo

Ưu điểm của các kiểu dây đồng hồ bằng cao su/silicon là không thấm nước, không bị ảnh hưởng bởi độ ẩm, chịu nhiệt tốt. Không bị rỉ sét như kim loại, không nứt gãy như da khi tiếp xúc với nước thường xuyên. Có trọng lượng nhẹ nên người đeo luôn cảm thấy dễ chịu trong thời gian dài đặc biệt là khi vận động. Chỉ cần lau bằng nước, xà phòng là có thể giữ dây sạch lâu dài.

Nhược điểm lớn nhất của loại dây này là có xu hướng hút bụi và dấu vân tay nhiều hơn, không phù hợp với phong cách trang trọng. Dưới tác động của môi trường, dây cao su có thể bị lão hóa, trở nên giòn hoặc mất tính đàn hồi nếu không bảo quản đúng cách.

4. Dây Nylon/Nato

Dây đeo Nato (còn được gọi là G10) xuất hiện vào năm 1973 theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Anh (MOD), nhằm cung cấp một loại dây đeo đồng hồ siêu bền cho quân đội Anh.

Được làm từ sợi nylon cao cấp, dây Nato không chỉ bền bỉ, ít thấm nước mà còn an toàn cho da, không gây kích ứng. Ngoài độ bền ấn tượng, loại dây này còn có nhiều tùy chọn màu sắc đa dạng, phù hợp với nhiều phong cách.

4.1 Chất liệu tạo nên

Các loại dây đồng hồ bằng vải thường làm từ chất liệu sau:

Nylon: Loại sợi tổng hợp với độ bền cao, khả năng kháng nước, chống mài mòn vượt trội. Nylon được dệt chặt để đảm bảo tuổi thọ dài lâu và cảm giác đeo thoải mái. Một số phiên bản cao cấp còn sử dụng nylon ballistic, loại sợi chịu lực tốt, thường dùng trong quân đội.

Vải dù: Lấy cảm hứng từ dây dù quân sự, loại vải này có độ đàn hồi nhẹ, giúp dây ôm tay hơn tạo sự thoải mái khi đeo trong thời gian dài.

Vải bạt: Dày dặn hơn nylon thông thường, mang đến vẻ ngoài cổ điển, thường thấy trên đồng hồ quân đội hoặc phong cách military. Nhược điểm của vải bạt là thấm nước nhiều hơn so với nylon, mất thời gian lâu hơn để khô.

Polyurethane (PU): Một loại nhựa tổng hợp có độ đàn hồi cao, kháng nước hoàn toàn nhưng không thoáng khí như nylon hay vải dù. PU thường dùng trong thiết kế dây vải lai để tăng cường độ bền.

Ngoài chất liệu truyền thống, một số thương hiệu cao cấp còn sử dụng sợi tổng hợp dệt theo công nghệ đặc biệt, ví dụ như dây vải Omega NATO sử dụng chất liệu polyamide cao cấp với độ mịn, bền gấp nhiều lần nylon thông thường.

4.2 Có 4 dạng dây vải phổ biến trên thị trường

Các loại dây đồng hồ bằng vải phổ biến

4 dạng dây vải phổ biến

Dây RAF

Dây RAF (Royal Air Force) ban đầu thiết kế dành cho Không quân Hoàng gia Anh. Đây là phiên bản đơn giản hơn của dây NATO với thiết kế gọn gàng, không có lớp dây phụ bên dưới. Nhờ vậy, dây RAF mang lại cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái hơn khi đeo.

Dây Perlon

Dây Perlon có kết cấu dạng lưới đan chéo, giúp dây có độ linh hoạt cao, thoáng khí tốt. Loại dây này không có lỗ bấm sẵn mà có thể điều chỉnh kích thước linh hoạt nhờ vào cấu trúc đan dệt. Đây là lựa chọn lý tưởng cho ai tìm kiếm sự thoải mái, phong cách casual.

Dây Nylon 1 mảnh (ZULU, MONO STRAP)

Dây nylon 1 mảnh có thiết kế đơn giản, chỉ gồm một dải dây xuyên qua hai chốt đồng hồ. Loại dây này thường dày dặn hơn so với dây NATO tiêu chuẩn, mang lại vẻ ngoài chắc chắn, mạnh mẽ.

Dây Rings 1 mảnh

Dây Rings 1 mảnh có thiết kế tương tự dây NATO nhưng chỉ có một lớp dây duy nhất, cố định bằng vòng kim loại (rings). Loại dây này giúp ôm sát cổ tay hơn mà vẫn giữ vẻ ngoài cá tính.

4.3 Đặc tính phù hợp với mùa hè

Dây nylon/NATO là một lựa chọn lý tưởng nhất cho mùa hè nhờ những đặc tính sau:

  • Khác với dây da dễ bị thấm nước, dây nylon/NATO có khả năng kháng nước tốt. Nếu bị ướt, dây cũng sẽ khô rất nhanh, giúp người đeo luôn cảm thấy thoải mái.
  • Chất liệu vải dù hoặc nylon giúp không khí lưu thông tốt hơn, tránh tình trạng tích tụ mồ hôi, đặc biệt phù hợp với người thường xuyên vận động.
  • Chỉ cần rửa với nước sạch hoặc xà phòng nhẹ là có thể loại bỏ bụi bẩn mồ hôi, giúp dây luôn sạch sẽ, không có mùi khó chịu.
  • Dây nylon không quá dày, không gây áp lực lên cổ tay, mang lại cảm giác dễ chịu ngay cả khi đeo trong thời gian dài.
  • Dây nylon có thể chịu nhiệt độ cao mà không bị biến dạng hay phai màu, phù hợp để sử dụng trong mùa hè nóng bức.

Nhờ ưu điểm này, dây nylon/NATO trở thành lựa chọn hàng đầu cho ai yêu thích sự năng động, đặc biệt là trong hoạt động ngoài trời như thể thao, du lịch hoặc đi biển.

5. Dây dạng lưới

Dây dạng lưới là một biến thể của dây kim loại, thiết kế với các mắt xích nhỏ đan xen tạo thành một cấu trúc mềm mại, ôm sát cổ tay hơn so với dây kim loại truyền thống. Nhờ thiết kế này, dây lưới mang lại sự thoải mái, thoáng khí, tính thẩm mỹ cao.

Hai loại dây dạng lưới phổ biến là dây Milanese và dây SHARK.

Dây Milanese:

  • Xuất hiện từ thế kỷ 19 ở Milan, Ý, dây Milanese có thiết kế mảnh, mắt lưới nhỏ, tạo cảm giác thanh lịch, sang trọng.
  • Ôm sát cổ tay nhưng vẫn thoáng khí, không gây bí bách.
  • Dễ dàng điều chỉnh kích thước mà không cần tháo mắt dây.
  • Phù hợp với thiết kế thời trang, lịch sự.
Dây Milanese trên thiết kế Saga Signature mang đến vẻ đẹp thanh lịch tinh tế

Saga Signature 53458-SVMWBK-2 nổi bật với dây Milanese mảnh mai, mang đến vẻ đẹp thanh lịch tinh tế

Dây SHARK (Shark Mesh):

  • Ban đầu thiết kế dành cho thợ lặn, dây SHARK có mắt lưới to hơn, tạo độ chắc chắn, bền bỉ.
  • Khả năng chịu lực tốt, phù hợp với người yêu thích phong cách mạnh mẽ.
  • Thường dùng trên mẫu thể thao hoặc lặn biển.
Phiên bản dây đồng hồ Shark Mesh đầy nam tính đến từ Seiko

Dây Shark Mesh từ Seiko, thiết kế chắc chắn, bền bỉ, mang lại cảm giác mạnh mẽ nam tính

6. Dây gốm Ceramic

Dây gốm (ceramic) là biểu tượng của sự cao cấp, thường xuất hiện trên thiết kế thuộc phân khúc trung và cao cấp. Chúng làm từ vật liệu gốm công nghệ cao, loại dây này có một số ưu điểm nổi bật:

  • Chống trầy xước vượt trội: So với thép không gỉ, ceramic ít bị ảnh hưởng bởi va chạm nhẹ, giúp giữ độ bóng, vẻ đẹp lâu dài.
  • Không bị oxi hóa, không phai màu: Không giống như kim loại có thể bị xỉn màu theo thời gian, dây gốm vẫn giữ màu sắc nguyên bản, ngay cả khi tiếp xúc với mồ hôi hay hóa chất.
  • Nhẹ và thoải mái: Mặc dù có độ cứng cao, ceramic lại nhẹ hơn thép, giúp người đeo cảm thấy dễ chịu trong thời gian dài.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dây ceramic có thể giòn hơn kim loại, dễ nứt vỡ nếu va chạm mạnh. Vì vậy, loại dây này phù hợp nhất với ai yêu thích sự sang trọng, cẩn thận trong quá trình sử dụng.

Rado True Thinline với thiết kế dây đồng hồ bằng gốm ceramic cao cấp

7. Dây nhựa TPU

Dây TPU (Thermoplastic Polyurethane) được biết đến là lựa chọn tối ưu có thể đồng hành trong mọi hoạt động mà không lo hư hại, dây nhựa TPU chính là lựa chọn lý tưởng. Với đặc tính dẻo dai, chống thấm nước, chịu va đập tốt, loại dây này phù hợp cho cả hoạt động thể thao, dã ngoại lẫn sử dụng hàng ngày.

Dây nhựa TPU trong suốt thời thượng trên đồng hồ đến từ thương hiệu G-Shock

G-Shock GMD-S5600SG-7DR là lựa chọn hoàn hảo cho những cô gái trẻ trung, năng động với mặt số ánh vàng rực rỡ nổi bật trên nền dây vỏ nhựa trong suốt thời thượng

Không giống như dây da dễ bị ảnh hưởng bởi mồ hôi, độ ẩm, dây TPU có khả năng chống thấm gần như tuyệt đối, giúp cổ tay luôn khô thoáng, không gây khó chịu khi đeo lâu. Đặc biệt, chất liệu này dễ dàng vệ sinh, không bám bụi bẩn hay phai màu theo thời gian.

Nhờ độ đàn hồi cao, thiết kế năng động, dây TPU mang đến cảm giác thoải mái, ôm sát cổ tay mà không gây kích ứng. Đây là lựa chọn hoàn hảo cho ai yêu thích sự bền bỉ, tiện lợi và phong cách thể thao hiện đại.

Loại dây này thường được sử dụng trên các mẫu đồng hồ thể thao như G-Shock, Garmin, Suunto, hay các dòng đồng hồ lặn Seiko Prospex, Citizen Promaster. Không chỉ xuất hiện trên đồng hồ chuyên dụng, dây TPU còn góp mặt trong nhiều thiết kế thời trang trẻ trung của Swatch, Fossil, Nixon, mang đến vẻ ngoài hiện đại và năng động.

Chia sẻ này có hữu ích cho bạn?
Hữu ích
Không hữu ích

THẢO LUẬN

Chưa có thảo luận nào.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *