Công nghệ mạ PVD là phương pháp phủ tiên tiến giúp giữ độ bóng và màu sắc lâu dài trên các đồng hồ cao cấp.
Tìm hiểu công nghệ mạ PVD đồng hồ là gì?
Mạ PVD (Physical Vapor Deposition – tiếng Việt nghĩa là sự bốc hơi lắng đọng vật lý) là một công nghệ tiên tiến giúp tạo ra lớp phủ mỏng nhưng cực kỳ bền trên bề mặt đồng hồ.
Quá trình này diễn ra trong môi trường chân không (nhiệt độ từ 10⁻² đến 10⁻⁴ Torr), nơi kim loại được bốc hơi ở nhiệt độ cao và lắng đọng lên bề mặt sản phẩm. Nhờ vào công nghệ lắng đọng Plasma, lớp phủ PVD có độ bám dính cao, bền màu, chống mài mòn, trầy xước vượt trội so với phương pháp mạ truyền thống.

Vỏ và dây đeo mạ PVD vàng hồng – Ảnh sản phẩm Saga Dancing Heart 53766-GPMWGP-2
Trong ngành chế tác này, công nghệ mạ PVD được ứng dụng để tạo ra nhiều màu sắc khác nhau như đen, vàng hồng hoặc hai tông màu, tạo nên vẻ ngoài sang trọng hơn trong khi vẫn giữ nguyên chất liệu nền là thép không gỉ.
Quá trình mạ vàng PVD không chỉ mang lại tính thẩm mỹ cao mà còn giúp bảo vệ khỏi tác động của thời gian, tăng khả năng chống ăn mòn, duy trì độ bền lâu dài.
2 phương pháp mạ PVD trên đồng hồ
1. Bay hơi nhiệt
Bốc hơi nhiệt là kỹ thuật sử dụng năng lượng nhiệt để làm bay hơi vật liệu mục tiêu, sau đó lắng đọng nó lên bề mặt đồng hồ trong môi trường chân không cao (từ 1×10⁻⁶ đến 1×10⁻⁹ Torr).
Quá trình này giúp kiểm soát tốt độ dày, độ bám dính và cấu trúc hạt của lớp phủ. Thiết bị được phủ bằng phương pháp này thường có độ bền màu cao cùng lớp phủ mỏng mịn. So với kỹ thuật PVD, CVD khác, bốc hơi nhiệt có một trong những tỷ lệ lắng đọng cao nhất.
Một hệ thống bốc hơi nhiệt điển hình bao gồm các thành phần sau:
- Chất nền và mục tiêu
- Nguồn nhiệt
- Máy bơm chân không
- Bộ điều khiển áp suất / Van cổng
- Máy theo dõi tỷ lệ lắng đọng
- RGA (tùy chọn)
Quá trình bốc hơi nhiệt trong công nghệ mạ PVD đồng hồ có thể hiểu đơn giản qua ba bước chính:
Bước 1. Bốc hơi vật liệu
Hãy tưởng tượng bạn muốn phủ một lớp kim loại mỏng lên đồng hồ. Đầu tiên, kim loại này (ví dụ: titan hoặc vàng) được đặt vào một chiếc nồi đặc biệt nằm ở đáy buồng chân không.
Sau đó, một nguồn nhiệt cực cao làm nóng chảy làm bốc hơi kim loại này, biến nó thành hơi kim loại giống như hơi nước bốc lên từ nồi nước sôi.
Bước 2. Di chuyển hơi kim loại
Khi kim loại bốc hơi, nó sẽ tạo thành một luồng hơi di chuyển lên trên.
Vì quá trình diễn ra trong môi trường chân không (không có không khí cản trở), luồng hơi này không bị phân tán mà đi thẳng đến bề mặt thiết bị một cách đồng đều, không bị tạp chất bên ngoài làm nhiễm bẩn.
Bước 3. Hình thành lớp phủ
Khi hơi kim loại gặp bề mặt vật liệu (vốn có nhiệt độ thấp hơn), nó sẽ ngưng tụ lại rồi bám vào bề mặt, giống như hơi nước đọng trên kính vào sáng sớm.
Các hạt kim loại này dần dần tích tụ, tạo thành một lớp phủ mỏng nhưng bền chắc, giúp sản phẩm có màu sắc cũng như độ bền mong muốn.
Quá trình này tiếp tục cho đến khi đạt được độ dày hoàn hảo.

Minh họa quá trình bay hơi nhiệt trong mạ PVD đồng hồ
2. Phún xạ
Phún xạ là một phương pháp khác trong công nghệ mạ PVD, sử dụng ion khí trơ (thường là argon) để bắn phá vật liệu mục tiêu, tạo ra phân tử kim loại di chuyển đến bề mặt cần phủ sau đó lắng đọng thành lớp phủ. Quá trình này diễn ra trong điều kiện chân không thấp (0 – 0,03 Torr), giúp kiểm soát tốt độ dày, tính đồng nhất của lớp phủ.
Một hệ thống phun điển hình bao gồm các thành phần sau:
- Chất nền và mục tiêu
- Catot và anot
- Bộ điều khiển lưu lượng khối lượng
- Bộ điều khiển áp suất/van cổng
- Máy bơm chân không
- Tinh thể thạch anh
Quá trình phún xạ này diễn ra theo ba bước chính:
Bước 1. Tạo ra chùm hạt bắn phá (Sự bốc hơi)
Trong buồng chân không, một nguồn điện đặc biệt làm cho khí argon bị ion hóa (mất electron), tạo ra hạt ion argon mang điện tích dương.
Các ion này sau đó bị hút về phía bề mặt kim loại mục tiêu (thường là vàng, titan hoặc thép), va chạm cực mạnh, làm bật ra những phân tử kim loại nhỏ li ti – giống như khi bạn dùng vòi nước mạnh xịt vào cát, cát sẽ bắn tung lên.
Bước 2. Di chuyển các hạt kim loại
Phân tử này bay về phía bề mặt cần phủ. Nhờ môi trường chân không cùng sự kiểm soát chính xác, chúng không bị phân tán mà đi theo quỹ đạo thẳng, đảm bảo lớp mạ đồng đều.
Bước 3. Hình thành lớp phủ bền chắc
Khi phân tử kim loại chạm vào bề mặt vật liệu, chúng sẽ bám dính rồi dần dần tạo thành một lớp màng mỏng, bền chắc.
Quá trình này tiếp tục cho đến khi đạt độ dày mong muốn.
Công dụng của lớp phủ PVD cho đồng hồ
1. Gia tăng độ bền cho chất liệu kim loại
Lớp phủ PVD giúp bề mặt cứng hơn nhờ cấu trúc kim loại nhiều tầng, hạn chế trầy xước, chống ăn mòn do mồ hôi, nước biển hoặc hóa chất.
So với bề mặt kim loại thông thường, đồng hồ mạ PVD có tuổi thọ cao hơn 2-3 lần, thậm chí có thể kéo dài đến 10 lần trong một số điều kiện sử dụng.
Tuổi thọ lớp mạ PVD dao động từ 1 đến 3 năm, nhưng nếu bảo quản tốt, ít tiếp xúc với môi trường khắc nghiệt, tuổi thọ có thể lên đến 5 năm.
Trong một số điều kiện sử dụng lý tưởng, lớp phủ PVD có thể tồn tại từ vài năm đến 20 năm, tùy thuộc vào độ dày, chất lượng lớp phủ cũng như cách sử dụng và bảo quản.
2. Thẩm mỹ, sang trọng
Công nghệ mạ PVD không chỉ giúp bảo vệ mà còn mang lại tính thẩm mỹ vượt trội với bề mặt sáng bóng, mịn đều màu.
Công nghệ này cho phép tạo ra nhiều tông màu khác nhau như vàng, đen, bạc, xanh dương,…phù hợp với nhiều phong cách sở thích người dùng.
Lớp phủ đồng nhất, bám dính tốt. Nhờ kỹ thuật mạ tiên tiến, đồng hồ mạ PVD có bề mặt đều màu, không bị loang lổ như phương pháp mạ truyền thống, giúp nâng tầm sự sang trọng, đẳng cấp.
Với ưu điểm vượt trội về độ bền và thẩm mỹ, lớp phủ PVD đã trở thành tiêu chuẩn trong ngành chế tác đồng hồ, mang đến sự lựa chọn hoàn hảo cho những ai tìm kiếm một sản phẩm vừa bền đẹp, vừa tinh tế.

Vẻ đẹp sang trọng của đồng hồ Saga với công nghệ mạ PVD – Ảnh sản phẩm Saga Charm 53229-RGMWRG-7
Các thông tin liên quan đến mạ PVD trên đồng hồ
1. Cách vệ sinh và sử dụng đồng hồ mạ PVD sử dụng được bền lâu
Để lớp phủ PVD trên sản phẩm luôn duy trì vẻ sáng bóng, bền đẹp theo thời gian, bạn nên áp dụng các biện pháp bảo quản, vệ sinh đúng cách:
Hạn chế trầy xước
- Khi không sử dụng, hãy đặt vào hộp có lớp lót mềm hoặc trên bề mặt bông, tránh để chung với vật sắc nhọn có thể gây trầy xước.
- Khi đeo, hạn chế va chạm với bề mặt cứng để bảo vệ lớp mạ khỏi mài mòn.
Vệ sinh thường xuyên
- Lau chùi hằng ngày: Dùng khăn mềm hoặc bông mịn lau nhẹ bề mặt sản phẩm trước khi cất để loại bỏ bụi bẩn, dấu vân tay, mồ hôi – những tác nhân khiến lớp phủ bị xỉn màu.
- Vệ sinh định kỳ (3-4 tuần/lần): Sử dụng bông mềm thấm nước ấm lau nhẹ nhàng toàn bộ bề mặt để loại bỏ cặn bẩn giúp duy trì độ sáng bóng.
Tránh tiếp xúc với hóa chất
- Hạn chế tiếp xúc với nước hoa, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, clo trong nước bể bơi hoặc hóa chất mài mòn, vì chúng có thể làm giảm độ bền của lớp phủ PVD theo thời gian.
- Nếu vô tình dính hóa chất, hãy lau sạch ngay bằng khăn ẩm để tránh ảnh hưởng đến lớp mạ.

Ảnh sản phẩm Saga Dancing Heart 53766-GPMWGP-2
2. Sản phẩm cao cấp có sử dụng vàng thật 18k
Trên các mẫu phổ thông, công nghệ mạ PVD không sử dụng vàng thật mà thay vào đó là lớp phủ gồm nhiều tầng kim loại, hợp kim như nhôm, titan, thép, giúp tạo ra màu sắc tương tự vàng thật.
Để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của người dùng, công nghệ này có thể tạo ra các tông màu như vàng sáng (ZrN – vàng Ý), xám, vàng hồng,.. bằng cách kết hợp với nguyên tố kim loại khác nhau.
Lớp phủ nhiều tầng giúp bề mặt đồng hồ có khả năng chống trầy xước và ăn mòn tốt hơn, đảm bảo độ sáng bóng lâu dài.
Ở phân khúc cao cấp, một số thương hiệu như Doxa, Longines, Tissot sử dụng vàng 18K kết hợp với công nghệ mạ vàng PVD, tạo nên lớp phủ mỏng nhưng bền bỉ, mang lại giá trị thẩm mỹ, độ bền vượt trội.

Đồng hồ mạ vàng 18K có độ thẩm mỹ và độ bền cao
Lớp phủ vàng 18K có độ dày khoảng 5 micron (tương đương độ dày của một sợi tóc), giúp bề mặt sáng bóng hơn, hạn chế tình trạng phai màu nhanh.
Đặc biệt, không có đồng hồ vàng 18K nguyên khối vì vàng nguyên chất có đặc tính mềm, dễ bong tróc khi tiếp xúc với môi trường. Vì vậy, ngay cả những sản phẩm cao cấp cũng cần có một lớp phủ PVD bảo vệ, giúp tăng độ cứng, duy trì độ bền theo thời gian.
So với mẫu vàng nguyên khối, sản phẩm mạ vàng PVD 18K có vẻ ngoài sang trọng nhưng giá thành hợp lý hơn, đồng thời chống trầy xước, oxi hóa tốt hơn.
3. Đồng hồ mạ PVD có giá thành cao hơn
So với những mẫu làm từ thép không gỉ, dây nhựa, cao su hay da, đồng hồ mạ PVD có giá thành cao hơn do công nghệ mạ hiện đại với độ bền vượt trội. Trong cùng phân khúc, một chiếc đồng hồ mạ vàng PVD có mức giá dao động từ 4.000.000 – 13.000.000 đồng, tùy thuộc vào thương hiệu, chất liệu nền cùng độ dày của lớp mạ.
4. Lớp mạ vẫn có thể phai màu theo thời gian
Mặc dù công nghệ PVD giúp lớp mạ không bị bong tróc như phương pháp mạ thông thường, nhưng theo thời gian, độ sáng bóng của lớp phủ có thể giảm đi do ma sát, tiếp xúc với hóa chất hoặc mồ hôi.
Yếu tố ảnh hưởng đến màu sắc cũng như độ bền của lớp phủ PVD:
- Chất lượng của vật liệu phủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì màu sắc, độ bền của lớp mạ PVD. Vật liệu cao cấp giúp lớp phủ bền màu, khó bị oxy hóa giúp duy trì độ sáng bóng lâu dài. Vật liệu kém chất lượng dễ bị phai màu, mất độ bóng hoặc bong tróc khi tiếp xúc với môi trường khắc nghiệt.
- Lớp phủ PVD càng dày thì khả năng chống trầy xước, mài mòn càng cao, giúp giữ vẻ đẹp nguyên bản trong thời gian dài.
- Yếu tố bên ngoài cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của lớp phủ. Tiếp xúc với tia UV, hóa chất, mồ hôi hoặc bụi bẩn có thể khiến màu sắc lớp phủ thay đổi theo thời gian. Ma sát liên tục với bề mặt cứng có thể làm giảm độ sáng bóng của lớp mạ.
Không giống như đồng hồ thép không gỉ có thể đánh bóng để phục hồi vẻ ngoài, lớp phủ PVD không thể làm mới bằng cách đánh bóng. Do đó, việc bảo quản cẩn thận là yếu tố quan trọng để duy trì vẻ đẹp, độ bền của lớp mạ trong thời gian dài.

Lớp phủ PVD trên đồng hồ có thể phai màu theo thời gian
5. Bảng màu PVD sử dụng phổ biến hiện nay
Một số màu sắc PVD phổ biến hiện nay trên đồng hồ:
- Vàng Gold: Thường gặp trên mẫu sang trọng, đẳng cấp.
- Vàng Hồng (Rose Gold): Xu hướng thời thượng, phù hợp với nhiều phong cách.
- Đen (True Black): Mang vẻ đẹp mạnh mẽ, cá tính.
- Xám: Màu sắc hiện đại, phù hợp phong cách tối giản.
- Bạc: Giữ vẻ đẹp cổ điển, tinh tế.

Bảng màu PVD phổ biến nhất hiện nay
Tìm hiểu thêm về: Công nghệ trên đồng hồ
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Các loại dây da đồng hồ & 8 kiểu phổ biến nhất
Giải mã cọc số đồng hồ & Phân loại các thiết kế
Các loại dây đồng hồ kim loại thịnh hành nhất
Đồng hồ Vintage là gì? Lý giải sức hút vượt thời gian
Các loại dây đồng hồ phổ biến – Đặc điểm chi tiết & cách chọn
Case Back là gì? Các loại nắp lưng đồng hồ
Đá Swarovski – “Vũ khí quyến rũ” của đồng hồ thời trang
Đồng hồ Dress Watch là gì? Cách nhận diện & lựa chọn
THẢO LUẬN