Đồng hồ Automatic là gì? Kiến thức cần biết về máy Automatic

Đồng hồ Automatic là gì? Kiến thức cần biết về máy Automatic

Đồng hồ Automatic – kiệt tác cơ khí vận hành nhờ từng chuyển động, biểu tượng của đẳng cấp và bền bỉ. Sau cuộc khủng hoảng thạch anh, chúng đã trở lại đầy mạnh mẽ, khẳng định vị thế trong lòng người đam mê đồng hồ. Bài viết sau đây sẽ cung cấp tất tần tật thông tin thú vị về bộ máy cơ khí này.

MỤC LỤC

› Đồng hồ Automatic là gì?

› Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của máy Automatic

1. Cấu tạo bộ máy Automatic

2. Nguyên lý hoạt động

› Ưu và nhược điểm của đồng hồ cơ Automatic là gì?

1. Ưu điểm

2. Nhược điểm

› 4 kiểu đồng hồ Automatic theo cấu tạo vỏ

1. Không lộ cơ

2. Open Heart

3. Skeleton

4. Tourbillon

› Tìm hiểu lịch sử phát triển đồng hồ Automatic

Đồng hồ Automatic là gì?

Đồng hồ Automatic là một dạng đồng hồ đeo tay, được cung cấp năng lượng từ bộ máy cơ khí bên trong. Không sử dụng pin mà sẽ hoạt động nhờ cơ chế lên dây cót tự động, tận dụng chuyển động của cổ tay người đeo để duy trì năng lượng.

Chỉ cần đeo khoảng 8 tiếng mỗi ngày có thể tích trữ năng lượng đủ để hoạt động liên tục từ 36 – 40 giờ mà không cần lên dây cót thủ công. Điều này mang lại sự tiện lợi tối đa, giúp chúng trở thành lựa chọn yêu thích của những người đam mê cỗ máy thời gian.

Đồng hồ cơ Automatic là gì?
Đồng hồ Automatic là gì? Kiến thức cần biết về máy Automatic 10

Đồng hồ cơ Automatic hoạt động bằng bộ máy cơ khí với nguyên lý lên dây cót tự động – Ảnh sản phẩm Saga Signature 13703-SVBDBK-3

Máy Automatic gồm 2 loại như sau:

  • Tự động: Bộ máy được lên dây cót nhờ chuyển động của cổ tay người đeo, không cần lên dây cót bằng tay.
  • Bán tự động: Vẫn có cơ chế tự động lên dây cót khi đeo, nhưng người dùng có thể vặn núm để lên dây cót thủ công khi cần thiết.

Hiện nay trên thị trường, hầu hết đồng hồ cơ Automatic đều thuộc loại bán tự động. Tuy nhiên, bạn nên đọc kỹ thông số kèm theo, nếu có chức năng Hand winding có nghĩa là đồng hồ có hỗ trợ lên cót tay.

Cả hai loại đều hoạt động dựa trên dây cót chính. Khi dây cót được lên năng lượng, nó truyền lực qua hệ thống bánh răng, giúp bánh xe cân bằng dao động nhịp nhàng với tốc độ không đổi. Bộ thoát sẽ kiểm soát chuyển động này, giúp kim đồng hồ di chuyển chính xác từng giây, từng phút.

Vậy đằng sau máy Automatic là gì mà có thể khiến chúng hoạt động chính xác mà không cần đến năng lượng điện tử? Bí mật nằm ở nguyên lý chuyển đổi năng lượng được bật mí ngay dưới đây.

Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của máy Automatic

Bộ máy Automatic được đánh giá là một trong những phát minh tinh xảo bậc nhất trong ngành chế tác cỗ máy thời gian. Với độ phức tạp cao, từng bộ phận phải lắp ráp thủ công một cách tỉ mỉ, đòi hỏi kỹ năng, sự cẩn trọng tuyệt đối từ người thợ lành nghề.

1. Cấu tạo bộ máy Automatic

Cấu tạo bên trong bộ máy cơ Automatic
Đồng hồ Automatic là gì? Kiến thức cần biết về máy Automatic 11

Cấu tạo bên trong của máy cơ Automatic

Cấu tạo bên trong gồm các thành phần chính sau:

Dây cót (Mainspring): Đây là nguồn năng lượng chính của cỗ máy. Dây cót làm từ thép lò xo và cuộn chặt khi lên dây, tích trữ năng lượng để vận hành các cơ chế bên trong.

Núm chỉnh giờ (Winding Pinion): Nằm ở bên hông sản phẩm, cho phép người dùng cài đặt thời gian và giúp lên dây cót thủ công khi cần thiết.

Bánh đà (Rotor): Roto là một bánh đà kim loại hình bán nguyệt, thiết kế như vậy để xoay tự do quanh trục khi cổ tay người đeo chuyển động. Với mỗi cử động, roto quay sau đó truyền động năng qua hệ thống bánh răng phức tạp, từ đó căng dây cót chính. Nhờ cơ chế này, cỗ máy thời gian có thể tự nạp năng lượng mà không cần lên dây cót bằng tay

Hệ thống bánh răng truyền động (Main Wheel): Đây là nhóm linh kiện quan trọng chịu trách nhiệm dẫn truyền năng lượng từ dây cót đến các bộ phận khác trong bộ máy đảm bảo hoạt động mượt mà, ổn định.

Nhóm bánh răng giờ, phút, giây (Minute Wheel, Hour Wheel, Second Wheel): Bộ phận này tiếp nhận năng lượng đã được phân bổ đều từ bộ thoát. Truyền từ bánh răng giây sang bánh răng phút, sau đó đến bánh răng giờ, tạo nên các chuyển động tuần tự, nhờ đó hiển thị chính xác giờ, phút, giây.

Bánh xe cân bằng và bộ thoát (Balance Wheel & Escape Wheel): Giữ vai trò như “hệ thống phanh” trong máy cơ. Bộ thoát, bao gồm bánh xe thoát và nĩa pallet kiểm soát việc giải phóng năng lượng từ dây cót chính. Khi bánh xe cân bằng dao động đều đặn, nó luân phiên tác động lên bộ thoát giúp năng lượng giải phóng từng bước nhỏ và chính xác. Âm thanh “tích tắc” đặc trưng ra đời từ đây.

Dây tóc (Hairspring): Đây là linh kiện quan trọng quyết định độ chính xác của đồng hồ. Chất liệu đàn hồi của dây tóc giúp duy trì độ bền, ổn định qua thời gian. Tần số dao động như 18.000, 21.600, 28.800 hoặc 36.000 vph càng cao, càng chính xác.

Chân kính (Jewels): Những viên hồng ngọc nhân tạo này được sử dụng làm ổ trục, giảm ma sát giữa các bánh răng, đảm bảo cơ chế vận hành trơn tru.

Ngoài các bộ phận chính, mỗi hãng sản xuất sẽ trang bị thêm các chi tiết như ốc vít, bánh xe gai, bi trượt…tùy thuộc vào tính năng, thiết kế đặc thù. Tất cả kết hợp để tạo nên một kiệt tác vừa tinh tế vừa bền bỉ.

2. Nguyên lý hoạt động

Đồng hồ cơ tự động (Automatic) không cần lên dây cót thủ công thường xuyên nhờ vào cơ chế tự động nạp năng lượng từ chuyển động tự nhiên của người đeo.

Bên trong đồng hồ, một bánh đà (rotor) gắn trên một trục xoay. Khi cổ tay di chuyển bánh đà sẽ xoay quanh trục. Chuyển động này sẽ truyền qua hệ thống bánh răng, giúp căng dây cót chính – bộ phận lưu trữ năng lượng để duy trì hoạt động của đồng hồ.

Nguyên lý hoạt động bộ máy Automatic

Cơ chế tích trữ năng lượng của đồng hồ, bí ẩn phía sau những chuyển động bền bỉ.

Hiện nay, có hai cơ chế lên dây cót chính:

  • Một chiều: Bánh đà chỉ lên dây cót khi quay theo một hướng.
  • Hai chiều: Bánh đà có thể lên dây cót khi quay theo cả hai hướng, giúp tối ưu hiệu suất nạp năng lượng.

Thông thường, mẫu tự động có thể tích trữ đủ năng lượng để hoạt động trong khoảng 2 ngày ngay cả khi không đeo. Nếu không sử dụng trong thời gian dài hoặc cổ tay không chuyển động đủ, người dùng có thể lên dây cót thủ công bằng cách vặn núm điều chỉnh khoảng 15-20 vòng để bổ sung năng lượng. Khi cảm thấy núm vặn cứng lại, hãy dừng ngay để tránh làm hỏng dây cót.

Có thể bạn chưa biết: Núm điều chỉnh thường có 3 nấc, mỗi nấc đảm nhiệm một chức năng riêng:

  • Nấc 1 (trạng thái đóng sát vỏ): Cỗ máy hoạt động bình thường, kim giây vẫn chạy.
  • Nấc 2 (kéo nhẹ ra): Dùng để chỉnh lịch ngày, thứ mà không làm dừng kim giây.
  • Nấc 3 (kéo ra xa nhất): Dùng để chỉnh giờ phút, đồng thời kim giây sẽ dừng lại để đảm bảo độ chính xác khi cài đặt thời gian.

Nếu sản phẩm có tính năng chống nước, nhà sản xuất thường thiết kế thêm ren vặn ở núm điều chỉnh. Sau khi chỉnh giờ xong, hãy đảm bảo bạn đã vặn chặt núm để tránh nước lọt vào, bảo vệ bộ máy bên trong.

Ưu và nhược điểm của đồng hồ cơ Automatic là gì?

1. Ưu điểm

  • Không cần thay pin 

Máy cơ tự động không sử dụng pin mà lấy năng lượng từ chuyển động cổ tay người đeo. Điều này giúp bạn không bao giờ phải lo lắng về việc thay pin như máy Quartz, đồng thời mang đến trải nghiệm đeo tiện lợi, bền bỉ.

  • Tinh hoa chế tác mang giá trị nghệ thuật

Mỗi chiếc cỗ máy Automatic là một kiệt tác cơ khí, chế tác bởi người thợ lành nghề. Một số mẫu cao cấp mất hàng trăm giờ để chế tác, đảm bảo từng chi tiết nhỏ hoạt động hoàn hảo. Rolex, Patek Philippe hay Audemars Piguet đã biến kiệt tác này thành biểu tượng của sự đẳng cấp cùng nghệ thuật chế tác.

  • Độ bền cao có thể hoạt động hàng chục năm

Nếu bảo dưỡng đúng cách, sản phẩm có thể hoạt động từ 20 – 50 năm, thậm chí lâu hơn. Một số mẫu đồng hồ cổ từ thế kỷ trước vẫn hoạt động tốt nhờ vào cơ chế bền bỉ. Điều này biến chúng thành những món đồ có giá trị sưu tầm, thậm chí truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Một minh chứng tiêu biểu là Jet Auto Dater (1962) – mẫu Automatic huyền thoại của Citizen. Khi ra mắt, nó gây ấn tượng mạnh với bộ máy 1120, tần số dao động 18.000 vph, 19 chân kính, khả năng chống nước lên đến 120m. Mặc dù đã trải qua hơn 60 năm, nó vẫn giữ độ chính xác cao, khẳng định chất lượng bền bỉ của bộ máy cơ học.

  • Đa dạng và đẳng cấp 

Một chiếc đồng hồ không đơn thuần chỉ để xem giờ, mà còn là tuyên ngôn về phong cách và đẳng cấp. Từ những thiết kế tối giản thanh lịch đến những kiệt tác cơ khí với lịch vạn niên, chronograph hay các chức năng phức tạp khác, mỗi cỗ máy đều mang trong mình một câu chuyện riêng, phản ánh gu thẩm mỹ và cá tính của người sở hữu.

2. Nhược điểm

  • Giới hạn thời gian trữ cót

Máy Automatic có mức trữ cót giới hạn, trung bình từ 38 – 72 giờ (tùy mẫu). Nếu không đeo thường xuyên, cỗ máy có thể dừng lại nên cần lên dây cót bằng tay hoặc chỉnh lại giờ.

  • Cần bảo dưỡng định kỳ

Khác với máy Quartz có thể chạy tốt trong nhiều năm mà không cần bảo trì, máy cơ cần phải vệ sinh tra dầu định kỳ khoảng 2-4 năm/lần để đảm bảo độ chính xác. Nếu bỏ qua bảo dưỡng, các bộ phận có thể bị mòn, ảnh hưởng đến tuổi thọ đồng hồ.

  • Dễ bị ảnh hưởng bởi từ tính và va đập

Từ trường mạnh có thể làm rối loạn bộ dao động, khiến cỗ máy chạy sai lệch. Một số cỗ máy có sai số dao động ±15 đến 20 giây/ngày, trong khi máy Quartz chỉ chênh lệch ±1 đến 2 giây/ngày. Tuy nhiên, các thương hiệu lớn đã phát triển công nghệ chống từ (như Omega với bộ thoát Co-Axial, Rolex với Parachrom) để giảm thiểu tác động này.

  • Trọng lượng, độ dày lớn hơn

Do chứa nhiều linh kiện cơ học nên chúng thường nặng và dày hơn so với cỗ máy thạch anh, có thể gây cảm giác không thoải mái khi đeo lâu.

  • Chi phí cao hơn

Đồng hồ cơ Automatic có giá cao hơn đáng kể so với máy Quartz, bởi chúng đòi hỏi sự chế tác tinh xảo từ người thợ lành nghề cùng quá trình lắp ráp thủ công tỉ mỉ.

Một số mẫu đến từ các thương hiệu nổi tiếng như Rolex hay Patek Philippe có giá từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Đối với những phiên bản đặc biệt, con số này có thể lên đến hàng chục tỷ đồng.

4 kiểu đồng hồ Automatic theo cấu tạo vỏ

1. Không lộ cơ

Đây là kiểu thiết kế truyền thống và phổ biến nhất, với mặt số, mặt đáy hoàn toàn kín, không có cửa sổ hay lớp kính trong suốt để lộ bộ máy bên trong. Sự kín đáo này mang lại vẻ ngoài tinh tế, cổ điển, đồng thời giúp bảo vệ bộ máy khỏi bụi bẩn cùng tác động bên ngoài.

Automatic không lộ cơ
Đồng hồ Automatic là gì? Kiến thức cần biết về máy Automatic 12

2. Open Heart

Các mẫu Open Heart để lộ một phần nhỏ của bộ máy (khoảng 1/4), cho phép người dùng chiêm ngưỡng những chuyển động tinh xảo thông qua một cửa sổ trong suốt trên mặt số. Đây không chỉ là điểm nhấn nghệ thuật mà còn giúp người đeo cảm nhận rõ hơn sự sống động của cỗ máy cơ khí.

5 dong ho automatic la gi kien thuc can biet ve may automatic 2
Đồng hồ Automatic là gì? Kiến thức cần biết về máy Automatic 13

3. Skeleton

Khác với Open Heart, Skeleton có thiết kế lộ hoàn toàn bộ máy bên trong. Từng bánh răng, lò xo, vòng bi đều được trau chuốt tỉ mỉ để tạo nên một kiệt tác cơ khí đầy mê hoặc. Sở hữu một chiếc Skeleton không chỉ thể hiện niềm đam mê với nghệ thuật chế tác mà còn biểu tượng của phong cách đẳng cấp.

Đồng hồ Semi-Skeleton và Skeleton
Đồng hồ Automatic là gì? Kiến thức cần biết về máy Automatic 14

Bên trái là đồng hồ nam Saga Signature 13703-SVBDBK-3 với thiết kế Semi-Skeleton lộ cơ bán phần, bên phải là thiết kế Skeleton lộ cơ toàn phần

4. Tourbillon

Tourbillon là một cơ chế tinh vi trong đồng hồ Automatic, bằng cách đưa bánh xe cân bằng và bộ chỉnh động vào một lồng quay giúp hạn chế tác động của trọng lực lên bộ máy, cải thiện độ chính xác. Được xem như đỉnh cao của nghệ thuật chế tác, Tourbillon thường xuất hiện trên những mẫu cao cấp, thể hiện sự sang trọng và giá trị sưu tầm vượt thời gian.

Đồng cơ Automatic Tourbillon
Đồng hồ Automatic là gì? Kiến thức cần biết về máy Automatic 15

Tìm hiểu lịch sử phát triển đồng hồ Automatic

Vào năm 1770, nghệ nhân chế tác danh tiếng Abraham-Louis Perrelet đã tạo ra mẫu bỏ túi tự động đầu tiên, đánh dấu cột mốc quan trọng trong ngành này. Đến năm 1923, John Harwood, một thợ sửa đồng hồ người Anh, đã phát minh ra chiếc Automatic đeo tay, mở ra kỷ nguyên mới cho cỗ máy cơ tự động

Tuy nhiên, chính Rolex mới là thương hiệu có công lớn nhất trong việc phổ biến cỗ máy Automatic. Năm 1930, mẫu Rolex Oyster Perpetual ra đời, dựa trên nguyên mẫu của John Harwood, đã đưa sản phẩm lên một tầm cao mới, khẳng định sự bền bỉ cũng như tính ứng dụng cao của bộ máy này.

Lịch sử đồng hồ Automatic
Đồng hồ Automatic là gì? Kiến thức cần biết về máy Automatic 16

Chiếc đồng hồ bỏ túi tự động đầu tiên bởi Abraham-Louis Perrelet vào năm 1770

Kể từ đó, cơ chế hoạt động của chúng gần như không thay đổi đáng kể. Dù có sự cải tiến về chất liệu, công nghệ sản xuất, nguyên lý hoạt động của bộ máy tự động vẫn giữ nguyên như những năm đầu thế kỷ 20.

Chứng nhận quốc tế như Swiss Made hay Chronometer chính là minh chứng cho uy tín và giá trị vượt thời gian của dòng sản phẩm này trên thị trường toàn cầu.

Tìm hiểu thêm về: Thuật ngữ bộ máy

Chia sẻ này có hữu ích cho bạn?
Hữu ích
Không hữu ích

THẢO LUẬN

Chưa có thảo luận nào.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *