Đồng hồ Open Heart là gì? Giải mã sức hút thiết kế hở tim

Đồng hồ Open Heart là gì? Giải mã sức hút thiết kế hở tim

Không cần tháo nắp lưng, bạn vẫn có thể chiêm ngưỡng “trái tim” của một chiếc đồng hồ. Open Heart là gì mà khiến giới sưu tầm phát cuồng? Bí mật nằm ở từng chuyển động cơ học lộ ra qua ô cửa sổ nhỏ trên mặt số. Và nếu bạn nghĩ mình đã biết hết về Open Heart, hãy sẵn sàng cho những điều thú vị hơn.

MỤC LỤC

› Đồng hồ Open Heart là gì? Chúng lộ ra bộ phận gì trên máy cơ?

› Nguồn gốc và ý nghĩa của đồng hồ Open Heart

1. Nguồn gốc

2. Ý nghĩa của thiết kế hở tim

› Giải mã sức hút của thiết kế Open Heart

1. Cửa sổ lộ tim – Linh hồn của thiết kế

2. Các chi tiết trang trí – nghệ thuật nổi bật về mặt thị giác

3. Minh chứng cho nghệ thuật chế tác hàng thế kỷ

› Nhược điểm của đồng hồ Open Heart là gì?

1. Khó thay thế lắp đặt

2. Giảm khả năng chống nước và chống bụi

› Sự khác biệt giữa thiết kế Skeleton và Open Heart là gì?

› Saga Open Heart Sun and Moon – sự kết hợp độc đáo

Đồng hồ Open Heart là gì? Chúng lộ ra bộ phận gì trên máy cơ?

Đồng hồ Open Heart (hay còn gọi là đồng hồ hở tim, đồng hồ lộ cơ) là thiết kế để lộ một phần hoạt động bên trong của bộ máy, đặc biệt là bộ thoát và bánh xe cân bằng.

Không phô diễn toàn bộ cơ chế như Skeleton, Open Heart chọn cách mở ra “ô cửa” tinh tế trên mặt số mang đến trải nghiệm thị giác cuốn hút, điểm nhấn thẩm mỹ, tôn vinh nghệ thuật chế tác đồng hồ.

Do thiết kế đặc trưng, cửa sổ của thiết kế Open Heart được sắp xếp hài hòa với mặt số, thường nằm trong khoảng 6h đến 10h để đảm bảo sự cân đối. Để tôn vinh vẻ đẹp cơ khí tinh xảo, các mẫu Open Heart thường lược bỏ một số chức năng phức tạp, trong đó lịch ngày là tính năng phức tạp nhất có thể xuất hiện trên thiết kế này.

Thiết kế Open Heart để lộ bộ máy bên trong tại vị trí 9 giờ của Saga

Cận cảnh thiết kế hở tim 

Nguồn gốc và ý nghĩa của đồng hồ Open Heart

1. Nguồn gốc

Thiết kế Open Heart khởi nguồn từ những mẫu Skeleton (lộ toàn bộ máy), thay vì để lộ toàn bộ cơ chế, Open Heart chỉ để lộ một phần bộ máy để người đeo có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chuyển động cơ khí.

Mặc dù khái niệm lộ cơ đã xuất hiện từ rất lâu nhưng cái tên “Open Heart” lần đầu tiên được sử dụng bởi thương hiệu Revue Thommen vào năm 1979, khi họ ra mắt dòng máy cơ có khẩu độ lộ cơ trên mặt số. Đến năm 1982, hãng tiếp tục cải tiến với thiết kế lộ cơ trung tâm, mở ra xu hướng mới trong ngành.

Tuy nhiên, phải đến năm 1994, Frederique Constant với dòng sản phẩm “Heart Beat” đã đưa Open Heart trở nên phổ biến hơn. Từ đó thiết kế hở tim đã trở thành kiểu dáng đặc trưng của nhiều thương hiệu đồng hồ cơ khí.

Thương hiệu như Seiko, Orient, Frederique Constant giúp Open Heart phổ biến rộng rãi, trong khi Jaeger-LeCoultre, Audemars Piguet, Vacheron Constantin nâng tầm thiết kế này thành biểu tượng của nghệ thuật chế tác thủ công đỉnh cao.

2. Ý nghĩa của thiết kế hở tim

Sự ra đời của Open Heart gắn liền với xu hướng tôn vinh nghệ thuật cơ khí trong ngành chế tác đồng hồ. Thiết kế này mang đến sự cân bằng hoàn hảo giữa nét đẹp cổ điển của mặt số và sự cuốn hút đầy nghệ thuật từ ô cửa sổ lộ tim.

Cận cảnh chuyển động ở thiết kế lộ tim mà ta có thể quan sát từ bên ngoài

Không chỉ là một điểm nhấn thẩm mỹ, Open Heart còn giúp người đeo cảm nhận nhịp đập của thời gian theo cách chân thực nhất. Tốc độ dao động của bánh lắc, sự co giãn của lò xo tóc không chỉ quyết định độ chính xác của bộ máy mà còn thể hiện sự tinh xảo trong chế tác.

Giải mã sức hút của thiết kế Open Heart

1. Cửa sổ lộ tim – Linh hồn của thiết kế

Điểm đặc trưng nhất của đồng hồ Open Heart chính là ô cửa sổ hở trên mặt số, thường đặt ở vị trí 6 giờ, 9 giờ hoặc 12 giờ tạo ra sự kết nối trực quan giữa người đeo và chuyển động của bộ máy.

Không phải mọi bộ máy cơ đều có thể áp dụng thiết kế Open Heart. Phần lộ cơ (có thể là bánh lắc hoặc một phần bộ thoát) cần đặt gần mặt số để lộ diện mà không ảnh hưởng đến kết cấu tổng thể. Do đó, cần tinh chỉnh bố cục bộ máy phù hợp để đảm bảo sự hài hòa giữa thẩm mỹ và hiệu năng.

Một số thương hiệu đã sáng tạo bằng cách dịch chuyển cửa sổ Open Heart sang vị trí lệch trung tâm. Ví dụ, Orient Star Skeleton đặt khẩu độ tại góc 2 giờ, còn Frederique Constant Heart Beat đặt ở góc 6 giờ.

Cửa sổ lộ tim tại vị trí 6 giờ, linh hồn của chiếc đồng hồ Open Heart

Chiếc Frederique Constant Open Heart nổi bật với mặt số xanh sunburst sang trọng, cửa sổ lộ tim ở góc 6h tinh xảo, kết hợp dây da đồng điệu, tạo nên vẻ đẹp thanh lịch và đẳng cấp.

2. Các chi tiết trang trí – nghệ thuật nổi bật về mặt thị giác

Ngoài chuyển động cơ khí, Open Heart còn gây ấn tượng với các chi tiết trang trí tinh xảo. Viền kim loại đánh bóng quanh cửa sổ lộ tim giúp tăng độ sắc nét và hạn chế bụi bẩn lọt vào bộ máy.

Họa tiết Guilloché, vân sóng Geneva hoặc chải tia sunburst tạo chiều sâu thị giác, điểm nhấn thẩm mỹ thủ công đầy mê hoặc.

Phương pháp mạ vàng hoặc xử lý màu sắc nổi bật với sự giúp sức của kính sapphire phủ lớp Anti Reflective Coating, bạn hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của bộ máy bên trong.

3. Minh chứng cho nghệ thuật chế tác hàng thế kỷ

Không phải thương hiệu nào cũng đủ khả năng sản xuất đồng hồ Open Heart chất lượng cao. Thiết kế này đòi hỏi kỹ thuật gia công chính xác, kết hợp giữa nghệ thuật chế tác thủ công và công nghệ cơ khí hiện đại.

Seiko, Orient, Citizen, Tissot và Frederique Constant là những thương hiệu tiên phong trong việc phổ biến thiết kế Open Heart. Họ kết hợp mức giá hợp lý với bộ máy bền bỉ, mang đến sự lựa chọn đa dạng cho người dùng.

Trong khi đó, Jaeger-LeCoultre, Audemars Piguet, Vacheron Constantin biến Open Heart thành biểu tượng của nghệ thuật chế tác thủ công. Bộ máy của họ hoàn thiện bằng tay với mức độ tinh xảo cao, đôi khi kết hợp với các cơ chế phức tạp như tourbillon.

Thiết kế Open Heart không chỉ là một phong cách thẩm mỹ mà còn là bằng chứng cho sự phát triển của ngành chế tác đồng hồ. Nó thể hiện sự hòa quyện giữa kỹ thuật cơ khí và nghệ thuật, tạo nên kiệt tác mang giá trị vượt thời gian.

Nhược điểm của đồng hồ Open Heart là gì?

Mặc dù có sức hút mạnh mẽ, thiết kế Open Heart vẫn tồn tại một số hạn chế:

1. Khó thay thế lắp đặt

Do thiết kế để lộ tim, cỗ máy Open Heart có cấu trúc phức tạp hơn so với máy cơ thông thường. Việc tháo lắp và bảo dưỡng đòi hỏi độ chính xác cao, bởi bất kỳ sai sót nào cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy bên trong.

Không phải thợ sửa đồng hồ nào cũng có thể xử lý tốt dòng máy này. Nếu không được bảo trì đúng cách, các bộ phận dễ bị mài mòn, giảm tuổi thọ và ảnh hưởng đến độ chính xác của bộ máy.

2. Giảm khả năng chống nước và chống bụi

Khẩu độ lộ tim trên mặt số khiến thiết kế Open Heart dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài hơn. Dù trang bị kính sapphire hoặc các lớp bảo vệ đặc biệt, thiết kế này vẫn làm giảm khả năng chống bụi, chống ẩm so với đồng hồ cơ kín mặt hoàn toàn.

Phần lớn thiết kế hở tim có khả năng chống nước ở mức thấp 3 ATM, 5 ATM hoặc 10 ATM chỉ đủ để chịu nước bắn nhẹ hoặc mưa nhỏ. Điều này khiến người dùng cần cẩn trọng hơn trong quá trình sử dụng, đặc biệt là khi tiếp xúc với nước hoặc môi trường nhiều bụi.

Sự khác biệt giữa thiết kế Skeleton và Open Heart là gì?

1. Mức độ lộ cơ

Điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa đồng hồ Skeleton và Open Heart là diện tích bộ máy phô diễn.

Skeleton: Bộ máy khoét rỗng tối đa, lộ ra gần như toàn bộ bánh răng, bộ máy và cơ chế vận hành. Một số mẫu Skeleton cao cấp có thể nhìn xuyên thấu từ mặt trước ra mặt sau.

Open Heart: Chỉ để lộ khoảng 1/4 bộ máy, người đeo có thể quan sát chuyển động nhịp nhàng của bánh lắc và lò xo mà không làm mất đi sự thanh lịch của mặt số.

Bên trái là chiếc Orient Open Heart, bên phải là chiếc Skeleton của Doxa

Bên trái là thiết kế Open Heart lộ tim ở vị trí 9 giờ và bên phải là thiết kế Skeleton lộ toàn bộ bộ máy

2. Độ phức tạp trong chế tác

Skeleton yêu cầu kỹ thuật gia công tinh xảo, khi phải loại bỏ nhiều phần khung mà vẫn giữ được độ bền và độ chính xác. Hãng cao cấp thường sử dụng kỹ thuật cắt CNC, chạm khắc thủ công để tạo ra những thiết kế tinh vi.

Open Heart có mức độ hoàn thiện đơn giản hơn nhưng vẫn đòi hỏi sự tính toán chính xác để đảm bảo cửa sộ lộ cơ nằm ở vị trí cân đối trên mặt số.

3. Tính thẩm mỹ và phong cách

Skeleton mang vẻ đẹp hầm hố, mạnh mẽ, phù hợp với ai yêu thích sự phức tạp của bộ máy cơ khí.

Thiết kế Open Heart kết hợp giữa tính truyền thống và hiện đại, tạo điểm nhấn tinh tế mà không quá rườm rà.

4. Trải nghiệm sử dụng

Skeleton có thể gây khó khăn khi xem giờ do mặt số bị lược bỏ hoặc hòa lẫn với nền bộ máy.

Open Heart giữ lại phần lớn mặt số, giúp người dùng xem giờ dễ dàng hơn trong khi vẫn tận hưởng vẻ đẹp của cơ chế vận hành.

5. Giá thành và đối tượng khách hàng

Cỗ máy Skeleton thường có giá cao hơn do chế tác phức tạp, phổ biến ở phân khúc trung – cao cấp.

Đồng hồ Open Heart dễ tiếp cận hơn, xuất hiện nhiều ở phân khúc tầm trung, được thương hiệu như Seiko, Orient, Frederique Constant phát triển mạnh mẽ.

Tóm lại: Nếu bạn yêu thích sự tối giản nhưng vẫn muốn ngắm nhìn bộ máy cơ, Open Heart là lựa chọn lý tưởng. Nếu bạn muốn một cỗ máy có tính nghệ thuật cao, phô diễn toàn bộ cơ chế vận hành, Skeleton sẽ là lựa chọn hoàn hảo.

Saga Open Heart Sun and Moon – sự kết hợp độc đáo

Saga Open Heart Sun and Moon chinh phục người yêu đồng hồ bằng sự kết hợp tinh tế giữa cơ khí và thiên văn. Thiết kế lộ cơ Open Heart phô diễn nhịp đập của bộ máy, trong khi lịch Sun & Moon mang đến một cách hiển thị thời gian vừa thực dụng vừa đầy chất thơ.

Thay vì sử dụng vòng 24 giờ truyền thống để phân biệt ngày và đêm, Saga tạo điểm nhấn bằng biểu tượng Mặt Trời – Mặt Trăng, giúp việc xem giờ trở nên sinh động và thú vị hơn. Chi tiết này đặt ở góc 10h, vận hành như một mặt số phụ nhưng thể hiện theo cách lãng mạn hơn, mô phỏng vẻ đẹp của thiên nhiên.

Bên cạnh đó, cửa sổ Open Heart hé lộ chuyển động nhịp nhàng của “trái tim” cỗ máy thời gian. Không chỉ là điểm nhấn thẩm mỹ, chi tiết này còn khẳng định đây là một chiếc máy automatic đẳng cấp, khác biệt hoàn toàn so với máy quartz thông thường.

Thông số bộ máy Saga Open Heart Sun & Moon 13702-SVSVBK-3

  • Dòng máy: Seiko NH35
  • Thời gian trữ cót: 41 giờ
  • Chân kính: 24 viên (Theo Saga công bố)
  • Tần số dao động: 21.600 vph
  • Độ chính xác: -20 đến +40 giây/ngày
Đồng hồ Open Heart Sun & Moon đến từ thương hiệu Saga

Với sự kết hợp giữa kỹ thuật chế tác đỉnh cao và vẻ đẹp tinh tế, Saga Open Heart Sun and Moon đã trở thành biểu tượng của nghệ thuật thời gian trong BST của Saga.

Chia sẻ này có hữu ích cho bạn?
Hữu ích
Không hữu ích

THẢO LUẬN

Chưa có thảo luận nào.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *