Anti Reflective Coating là gì? Hoạt động thế nào trên kính?

Anti reflective coating là gì? Hoạt động thế nào trên kính?

Lớp phủ Anti Reflective Coating sinh ra để giải quyết tình trạng chói khi đi dưới nắng của kính sapphire.

MỤC LỤC

› Anti Reflective Coating (Lớp phủ AR) là gì?

› Cách AR Coating (Anti Reflective Coating) “bảo vệ” tầm nhìn người dùng

› 3 dạng lớp phủ chống chói

1. Đơn mặt trong

2. Đơn mặt ngoài

3. Phủ kép (cả 2 mặt)

› Giải đáp 3 thắc mắc về Anti Reflective Coating

1. Mức độ quan trọng của lớp phủ chống chói

2. Làm sao để nhận biết đồng hồ có AR Coating

3. Quy trình tạo ra lớp phủ

Anti Reflective Coating (Lớp phủ AR) là gì?

Lớp phủ chống phản chiếu (Anti Reflective Coating – AR) là một lớp phủ quang học được áp dụng lên bề mặt thấu kính đồng hồ nhằm giảm độ chói, hạn chế hiện tượng phản xạ ánh sáng và cải thiện khả năng hiển thị. Nhờ lớp phủ này, người dùng có thể dễ dàng quan sát thời gian trên mặt số ngay cả trong điều kiện ánh sáng mạnh.

Anti Reflective Coating (Lớp phủ AR) là gì?

Lớp phủ chống chói AR (Anti Reflective Coating) giúp tăng khả năng hiển thị của đồng hồ trong bất kỳ điều kiện ánh sáng nào – Ảnh sản phẩm Saga 13568-SVGEPUG-2

Khái niệm về lớp phủ AR xuất hiện từ năm 1886, khi nhà vật lý John William Strutt (Nam tước Rayleigh đời thứ 3) phát hiện ra cách kiểm soát sự phản xạ ánh sáng trên tròng kính. Kể từ đó, công nghệ này đã trở thành một yếu tố quan trọng trong nhiều lĩnh vực, từ kính quang học đến mặt kính đồng hồ cao cấp.

Không phải loại kính nào cũng cần đến lớp phủ AR. Ví dụ, kính khoáng hoặc kính cứng vốn có độ phản xạ thấp nên không cần phủ thêm lớp chống chói. 

Tuy nhiên, kính sapphire – loại kính phổ biến trên các sản phẩm cao cấp – lại có bề mặt phản xạ mạnh, dễ gây chói lóa khi tiếp xúc với ánh sáng. Nếu bạn từng đeo một chiếc đồng hồ kính sapphire dưới trời nắng, hẳn bạn đã trải qua cảm giác phải nghiêng chúng ở đủ góc độ mới có thể xem giờ một cách rõ ràng.

Đó là lý do vì sao việc phủ lớp chống chói này lên cỗ máy sapphire trở nên cần thiết khi giúp cải thiện khả năng đọc cho người dùng. 

Không chỉ giúp tăng khả năng đọc, lớp phủ này còn tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ độc đáo, mang lại những gam màu ấn tượng từ xanh nhạt đến tím đậm, khiến cỗ máy thời gian của bạn trở nên nổi bật và phong cách hơn.

Cách AR Coating (Anti Reflective Coating) “bảo vệ” tầm nhìn người dùng

Nguyên lý hoạt động của lớp phủ chống chói dựa vào vật lý quang học.

Khi ánh sáng chiếu vào một bề mặt, nó có xu hướng bị phản xạ, gây ra hiện tượng chói lóa. Nhiệm vụ của lớp phủ chống phản chiếu (AR Coating – Anti Reflective Coating) là giảm thiểu điều này.

Bằng cách phủ lên mặt kính nhiều lớp vật liệu có chỉ số khúc xạ khác nhau, lớp phủ AR tạo ra hiện tượng giao thoa ánh sáng. 

Khi các sóng ánh sáng phản xạ từ bề mặt có lớp phủ AR, một số sóng sẽ bị lệch pha do các lớp vật liệu bổ sung. Điều này có nghĩa là đỉnh sóng của một tia sáng sẽ trùng với đáy sóng của một tia sáng khác, khiến chúng triệt tiêu lẫn nhau. 

Kết quả là ánh sáng phản xạ bị giảm đáng kể, thậm chí gần như bị loại bỏ hoàn toàn, giúp mặt số đồng hồ hiển thị rõ ràng hơn trong mọi điều kiện ánh sáng.

Nguyên lý hoạt động của lớp AR trên đồng hồ

Các bước sóng triệt tiêu nhau nhờ lớp phủ AR (Anti Reflective Coating) giúp xem giờ rõ nét hơn

3 dạng lớp phủ chống chói

Khi chọn đồng hồ kính sapphire, bạn sẽ thấy một số mẫu được trang bị lớp AR coating. Vậy có những loại phủ nào, chúng khác ra sao và đâu là lựa chọn phù hợp nhất?

1. Đơn mặt trong

Lớp Anti Reflective Coating này phủ ở mặt trong của kính sapphire. 

Hiệu quả chống chói: Giảm phản xạ từ mặt trong, giúp cải thiện độ rõ nét của mặt số. Tuy nhiên, vẫn có một phần ánh sáng bị phản chiếu từ mặt ngoài.

Độ bền: Cao vì lớp phủ được bảo vệ khỏi trầy xước do nằm trong mặt kính.

Tính thẩm mỹ: Giữ nguyên vẻ ngoài của kính sapphire không tạo hiệu ứng màu sắc.

Ứng dụng thực tế: Phổ biến trên nhiều mẫu đồng hồ cao cấp. Các thương hiệu như Rolex, Omega (dòng Seamaster và Speedmaster), Saga, Orient Star.. sử dụng lớp phủ này cho các cỗ máy để tăng độ bền và tính thẩm mỹ cho sản phẩm.

Giá thành: Hợp lý, thường không làm tăng quá nhiều chi phí sản xuất.

Nhược điểm: Không loại bỏ hoàn toàn hiện tượng phản chiếu, nhất là khi có ánh sáng mạnh từ môi trường bên ngoài.

Phủ chống chói ở mặt trong kính sapphire

Lớp phủ Anti Reflective Coating mặt trong giúp giữ nguyên thiết kế ban đầu mà không ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của cỗ máy – Saga Long Xing Da Da 13665-SVPEBK-3LH

2. Đơn mặt ngoài

Lớp Anti Reflective Coating được phủ ở mặt ngoài của kính sapphire. 

Hiệu quả chống chói: Rất cao, giúp mặt kính gần như không phản xạ ánh sáng, mang lại tầm nhìn tối ưu.

Độ bền: Kém hơn vì lớp phủ tiếp xúc trực tiếp với môi trường, dễ bị trầy xước theo thời gian.

Tính thẩm mỹ: Có thể tạo hiệu ứng màu sắc nhẹ (xanh, tím…) tùy vào công nghệ phủ.

Ứng dụng thực tế: Thường thấy ở đồng hồ chuyên dụng hoặc dòng cao cấp ưu tiên khả năng hiển thị. Các thương hiệu tiêu biểu như Doxa (dòng lặn Doxa SUB 300T), Longines (mẫu HydroConquest),.. 

Giá thành: Nhỉnh hơn một chút so với phủ mặt trong.

Nhược điểm: Cần bảo quản cẩn thận, tránh va đập hoặc lau chùi mạnh vì có thể làm mòn lớp phủ.

Lớp phủ chống chói ở mặt ngoài kính sapphire

Màu sắc mặt số thay đổi dưới ánh sáng tùy vào công nghệ lớp phủ Anti Reflective Coating, tạo phong cách riêng cho người đeo

3. Phủ kép (cả 2 mặt)

Lớp phủ chống chói phủ ở cả mặt trong và mặt ngoài của kính sapphire.

Hiệu quả chống chói: Cao nhất, gần như loại bỏ hoàn toàn hiện tượng phản xạ, giúp mặt số rõ ràng trong mọi điều kiện ánh sáng.

Độ bền: Mặt trong bền nhưng mặt ngoài vẫn dễ trầy xước giống như lớp phủ đơn mặt ngoài.

Tính thẩm mỹ: Tạo hiệu ứng màu sắc rõ hơn, có thể làm mặt kính có ánh xanh hoặc tím tùy vào công nghệ phủ.

Ứng dụng thực tế: Phổ biến trên một số dòng cao cấp, đặc biệt là đồng hồ phi công hoặc thể thao chuyên nghiệp. Thương hiệu như Tissot (Seastar 2000 Professional), Doxa (SUB 1500T), Longines, Tissot sử dụng để tối ưu hóa khả năng quan sát ngoài trời và dưới nước, giúp mặt số luôn rõ ràng trong mọi điều kiện ánh sáng.

Giá thành: Cao nhất do quá trình sản xuất phức tạp hơn.

Nhược điểm: Nếu mặt ngoài bị xước, lớp phủ có thể bị mòn dần, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khả năng chống chói. Một số người dùng thậm chí phải loại bỏ lớp phủ ngoài nếu bị xước quá nhiều.

Phủ chống chói cả 2 mặt của kính sapphire

Giải đáp 3 thắc mắc về Anti Reflective Coating

1. Mức độ quan trọng của lớp phủ chống chói

Lớp phủ AR (Anti Reflective Coating) giúp giảm phản xạ ánh sáng, cải thiện khả năng quan sát mặt số, đặc biệt khi sử dụng đồng hồ dưới ánh nắng mạnh hoặc trong môi trường có nhiều nguồn sáng. Tuy nhiên, không phải cỗ máy nào cũng cần lớp phủ này.

Nếu không có AR Coating, mặt kính đồng hồ dễ bị lóa, nhất là với kính sapphire có độ phản xạ cao. Điều này khiến việc xem giờ khó khăn hơn, đặc biệt khi di chuyển ngoài trời. 

Tuy nhiên, một số thương hiệu cao cấp như Rolex không sử dụng AR Coating trên bề mặt kính vì lớp phủ này có thể bị trầy xước theo thời gian, làm giảm tính thẩm mỹ. Ngoài ra, với đồng hồ kính cong, lớp phủ AR có thể tạo ra hiệu ứng quang học không mong muốn.

2. Làm sao để nhận biết đồng hồ có AR Coating (Anti Reflective Coating)

Có một số cách đơn giản để kiểm tra lớp phủ chống chói trên đồng hồ. 

  • Xem thông số kỹ thuật

Các thương hiệu như Doxa, Longines hay Tissot thường công bố thông tin về lớp phủ AR trên trang web chính thức hoặc trong tài liệu đi kèm sản phẩm. Nếu cỗ máy của bạn có AR Coating, thông tin này sẽ được liệt kê trong phần đặc điểm kỹ thuật.

  • Quan sát phản chiếu ánh sáng

Nghiêng nhẹ mặt đồng hồ dưới ánh sáng mạnh. Nếu thấy ít phản xạ hơn so với mẫu kính sapphire khác, thì khả năng cao sản phẩm có lớp AR. Một số mẫu có lớp phủ kép sẽ tạo hiệu ứng ánh sáng màu xanh nhạt, tím hoặc vàng,…

Các màu phổ biến của lớp phủ Anti Reflective Coating: 

Xanh: Hiệu ứng màu phổ biến nhất

Đỏ: Ít gặp hơn nhưng cũng khá phổ biến.

Trong suốt: Không nhìn thấy bằng mắt thường, thường được thương hiệu cao cấp lựa chọn để giữ nguyên thiết kế ban đầu và tăng tính dễ đọc.

Cách nhận biết đồng hồ có lớp phủ AR

Nếu đồng hồ có hiệu ứng đổi màu hoặc giảm chói, rất có thể nó được trang bị lớp phủ AR (Anti Reflective Coating)

  • Kiểm tra vết trầy xước

Nếu cỗ máy thời gian của bạn có lớp AR phủ mặt ngoài, theo thời gian, lớp phủ này có thể bị trầy xước trong khi kính sapphire bên dưới vẫn nguyên vẹn. Nếu thấy vết xước nhưng bề mặt kính vẫn rõ ràng, rất có thể đó là lớp Anti Reflective Coating bị ảnh hưởng. Trong trường hợp này, bạn có thể loại bỏ lớp phủ bằng dung dịch chuyên dụng nhưng không thể phục hồi như ban đầu.

Nhìn chung, lớp phủ chống chói là một tính năng hữu ích, đặc biệt với những ai thường xuyên đeo ngoài trời. Tuy nhiên, nếu bạn ưu tiên độ bền và hạn chế trầy xước, một cỗ máy không có AR Coating hoặc chỉ phủ mặt trong sẽ là lựa chọn hợp lý hơn.

3. Quy trình tạo ra lớp phủ Anti Reflective Coating

Lớp phủ chống chói tạo ra bằng công nghệ lắng đọng hơi vật lý (mạ PVD) trong môi trường chân không, giúp giảm phản xạ ánh sáng và cải thiện khả năng quan sát.

Bước 1: Làm sạch kính sapphire

Bề mặt kính được làm sạch kỹ lưỡng để loại bỏ bụi bẩn, dầu mỡ, đảm bảo lớp phủ bám chắc và không bị lỗi trong quá trình xử lý.

Bước 2: Lắng đọng lớp phủ trong buồng chân không

Tiếp theo, đặt kính sapphire vào buồng chân không để ngăn chặn tạp chất xâm nhập.

Sau đó, phủ một lớp vật liệu mỏng (thường là oxit kim loại như magiê florua hoặc silicon dioxide) lên bằng phương pháp phún xạ để kiểm soát độ dày đồng đều.

Lớp phủ này giúp triệt tiêu sóng ánh sáng phản xạ, giảm chói lóa đáng kể.

Bước 3: Làm cứng lớp phủ bằng tia UV

Sau khi phủ, chiếu tia cực tím (UV) lên kính để kích hoạt phản ứng hóa học, giúp lớp phủ cứng hơn, bám chắc hơn và tăng độ bền theo thời gian.

Tìm hiểu thêm công nghệ trên đồng hồ

Chia sẻ này có hữu ích cho bạn?
Hữu ích
Không hữu ích

THẢO LUẬN

Chưa có thảo luận nào.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *