Mặt số là để chiêm ngưỡng, mặt lưng là để khám phá. Case back không chỉ giúp bảo vệ bộ máy bên trong mà còn ẩn chứa những chi tiết và thông tin giá trị, chỉ người sành sỏi mới nhận ra.
Case back là gì? Vai trò của nắp lưng đồng hồ
Case back hay nắp lưng đồng hồ là bộ phận nằm ở mặt sau của đồng hồ, có tác dụng bảo vệ bộ máy bên trong khỏi bụi bẩn, độ ẩm và các tác động vật lý. Ngoài ra, case back còn giúp định danh thương hiệu, thể hiện thông tin kỹ thuật và tạo điểm nhấn thẩm mỹ.

Cận cảnh nắp lưng đồng hồ – Ảnh sản phẩm Saga Stella Chance 53578-SVSVRD-2
Để thuận tiện cho việc sửa chữa, bảo dưỡng, phần nắp đáy thường thiết kế tách rời với khung vỏ. Bạn sẽ thường gặp 4 loại nắp đáy phổ biến, mỗi loại mang một đặc điểm, cơ chế hoạt động riêng: nắp đáy cạy, nắp đáy xoay, nắp đáy bắt vít và nắp đáy kính.
6 chi tiết thường được khắc trên case back đồng hồ
Một số thông tin sẽ có trên case back:

1. Logo thương hiệu: Đây là dấu ấn của nhà chế tác, được khắc họa tinh xảo bằng laser hoặc dập nổi, khẳng định đẳng cấp thương hiệu.
2. Số seri mã tham chiếu: Giúp xác định phiên bản cụ thể và đảm bảo tính chính hãng.
3. Độ chống nước: Thường ghi theo đơn vị ATM hoặc mét (ví dụ: 50m, 100m, 200m).
4. Chất liệu:
- Đối với vỏ: Có thể là thép không gỉ (Stainless Steel), titanium, vàng hoặc hợp kim đặc biệt.
- Chất liệu mặt kính: Sapphire hoặc kính cứng
5. Dấu chứng nhận: Ví dụ như COSC (chứng nhận Chronometer), Geneva Seal hoặc dấu kiểm định chất lượng khác.
6. Biểu tượng đặc biệt trên phiên bản giới hạn: Dấu ấn độc quyền thể hiện sự khác biệt của phiên bản giới hạn, có thể là logo đặc biệt, hình khắc nghệ thuật hoặc chữ ký của nhà thiết kế.
Chất liệu tạo nên nắp lưng đồng hồ
Case back có thể làm từ nhiều chất liệu khác nhau, mỗi loại có ưu nhược điểm riêng. Dưới đây là các vật liệu phổ biến nhất:
Thép không gỉ
Thép không gỉ là chất liệu phổ biến nhất trong ngành chế tác đồng hồ nhờ vào độ bền cao, chịu lực tốt, chống ăn mòn và không bị oxy hóa nhanh như các kim loại khác.
Ngoài ra, chất liệu này dễ gia công và có thể đánh bóng lại nếu bị trầy xước, giúp tăng tuổi thọ sử dụng. Đặc biệt, giá thành hợp lý khiến thép không gỉ trở thành lựa chọn hàng đầu của hầu hết các thương hiệu từ bình dân đến cao cấp như Rolex, Seiko, Omega, Tissot, Citizen, Saga…
Tuy nhiên, dù ít gây kích ứng, một số người có làn da nhạy cảm có thể bị dị ứng với niken trong hợp kim thép không gỉ.
Titanium
Titanium nhẹ hơn thép không gỉ khoảng 40%, giúp giảm trọng lượng đồng hồ, tạo cảm giác thoải mái khi đeo, đặc biệt phù hợp với những mẫu đồng hồ có kích thước lớn.
Chất liệu này có khả năng chống ăn mòn cực tốt, không bị ảnh hưởng bởi độ ẩm hay nước biển, đồng thời ít gây kích ứng da nên rất phù hợp với người có làn da nhạy cảm. Các thương hiệu như Grand Seiko, Citizen, Omega thường sử dụng titanium trong các dòng sản phẩm cao cấp.
Tuy nhiên, nhược điểm của titanium là dễ trầy xước hơn thép không gỉ, mặc dù một số hãng như Citizen đã áp dụng công nghệ Duratect để khắc phục vấn đề này. Ngoài ra, chi phí sản xuất cao khiến đồng hồ titanium thường có giá thành đắt đỏ hơn.
Vàng nguyên khối 18K hoặc mạ vàng
Vàng 18K nguyên khối là biểu tượng của sự xa xỉ, thường chỉ xuất hiện trên các mẫu đồng hồ cao cấp của Patek Philippe, Rolex… nhờ vào vẻ ngoài sang trọng và khả năng chống oxy hóa tốt.
Nhược điểm lớn của vàng nguyên khối là độ mềm cao, dễ trầy xước hơn so với thép, đồng thời giá thành đắt đỏ.
Trong khi đó, mạ vàng là phương pháp phổ biến hơn, giúp mang lại vẻ ngoài sang trọng với mức giá phải chăng hơn, được nhiều thương hiệu như Saga, Omega sử dụng. Công nghệ mạ hiện đại có thể tạo ra nhiều sắc độ màu khác nhau, nhưng nếu không bảo quản đúng cách, lớp mạ vàng có thể bị phai màu theo thời gian do tiếp xúc với mồ hôi hoặc hóa chất.
Sapphire hoặc kính khoáng
Nắp lưng làm từ kính sapphire hoặc kính khoáng thường xuất hiện trên đồng hồ cao cấp của Longines, Doxa, Patek Philippe… giúp người đeo có thể chiêm ngưỡng bộ máy bên trong.
Sapphire có độ cứng rất cao, chống trầy xước tốt hơn kính khoáng, vì thế được nhiều thương hiệu cao cấp ưu tiên lựa chọn.
Tuy nhiên, kính sapphire có độ giòn nhất định, nếu rơi từ độ cao xuống có thể vỡ, gây ảnh hưởng đến bộ máy và sự an toàn của người đeo.
Kính khoáng rẻ hơn nhưng dễ bị trầy xước hơn sapphire, dù vậy nó có thể được đánh bóng lại nếu cần. Đồng hồ có nắp lưng trong suốt thường có giá thành cao hơn so với các mẫu sử dụng nắp lưng kim loại thông thường.
Gốm ceramic
Gốm ceramic có khả năng chống trầy xước gần như tuyệt đối, không bị oxy hóa hay phai màu theo thời gian, đồng thời nhẹ hơn thép không gỉ nên mang lại cảm giác đeo thoải mái hơn. Vì những ưu điểm này, gốm ceramic thường xuất hiện trong các dòng đồng hồ cao cấp của Omega (Seamaster), Rado, Hublot…
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của ceramic là độ giòn cao, dễ vỡ hoặc sứt mẻ nếu va đập mạnh. Ngoài ra, chi phí sản xuất cao cũng khiến chất liệu này chỉ được sử dụng trong các dòng đồng hồ đắt tiền.
Phân loại nắp lưng đồng hồ, phân tích ưu nhược điểm
1. Theo cơ chế tháo lắp
1.1. Nắp vặn (Screw-down)
Nắp vặn có thiết kế để đóng mở bằng cơ chế xoay. Đặc điểm nhận diện của loại nắp này là rãnh nhỏ hoặc khe lõm (thường có 6 vị trí) bố trí đều quanh viền, giúp cố định dụng cụ chuyên dụng khi tháo lắp. Mặt trong của nắp vặn có các rãnh ren, khớp chặt với phần ren trên thân vỏ đồng hồ.
Nhờ khả năng siết chặt, nắp vặn mang lại độ kín khít cao, giúp bảo vệ bộ máy khỏi nước, bụi bẩn. Chính vì vậy, loại nắp này thường sử dụng trên đồng hồ lặn, thể thao hoặc mẫu có khả năng chống nước cao, thường đạt mức từ 10ATM trở lên.

Để tháo nắp vặn, thợ sửa chữa cần dùng dụng cụ chuyên dụng cố định vào các rãnh rồi xoay theo chiều mở. Khi lắp lại, xoay nắp theo chiều ngược lại và siết chặt để đảm bảo độ kín tối đa.
Mặc dù nổi bật với khả năng chống nước vượt trội, nắp vặn cũng có một số hạn chế. Cơ chế đóng mở phức tạp khiến việc tháo lắp khó khăn hơn, yêu cầu dụng cụ chuyên dụng. Ngoài ra, chi phí sản xuất cao và thiết kế ren có thể làm tăng độ dày của đồng hồ, tạo cảm giác cồng kềnh hơn so với loại nắp khác.
1.2. Nắp ép (Snap-on)
Nắp ép là dạng nắp lưng có thiết kế gắn chặt vào vỏ đồng hồ bằng lực ép, tạo ra độ khít giúp hạn chế nước, bụi bẩn xâm nhập vào bộ máy. Loại nắp này có bề mặt trơn nhẵn, không có các rãnh hoặc lỗ vặn, giúp tăng tính thẩm mỹ. Về khả năng chống nước, nắp ép xếp sau nắp vặn, thường dao động trong khoảng 3ATM – 10ATM.

Saga Stella Chance 53578-SVBLSV-2 với thiết kế nắp ép tinh tế
Khi cần tháo nắp ép, người thợ sẽ sử dụng dao chuyên dụng hoặc dụng cụ nạy, đặt vào khe hở giữa nắp và vỏ, sau đó cạy lên bằng lực đòn bẩy. Ngược lại, để đóng nắp, chỉ cần dùng tay ấn mạnh cho đến khi nắp lưng khớp hoàn toàn với vỏ đồng hồ.
Ưu điểm của nắp ép nằm ở thiết kế mỏng gọn, không làm tăng độ dày của đồng hồ, giá thành sản xuất thấp và có tính thẩm mỹ cao.
Nhược điểm của nó là khó mở, dễ bị trầy xước trong quá trình tháo lắp, khả năng chống sốc không cao. Ngoài ra, việc đóng mở nhiều lần có thể làm nắp lưng bị biến dạng, ảnh hưởng đến độ kín khít, khả năng bảo vệ bộ máy bên trong.
1.3. Nắp ốc (Screw-fastened)
Nắp ốc có thiết kế gắn chặt vào thân vỏ nhờ các ốc vít nhỏ. Thông thường, trên nắp sẽ có 4 – 6 lỗ vít, phân bổ đều trên nắp lưng. Khả năng chống nước của nắp ốc không cao (3ATM) nên nhà sản xuất phải bổ sung thêm gioăng chống nước cho bộ máy.

Saga Long Xing Da Da 13665-SVPEBK-3LH với nắp ốc chắc chắn, giúp bảo vệ bộ máy bên trong và gia tăng độ bền tổng thể của đồng hồ
Nắp ốc không làm ảnh hưởng quá nhiều đến độ dày của đồng hồ. Để mở, người thợ chỉ cần dùng vít có đầu phù hợp để tháo hết ốc vít là được. Khi lắp lại, chỉ cần đặt ốc vít đúng vị trí và vặn chặt.
Như vậy, có thể thấy dễ đóng mở, chi phí sản xuất không cao, chống sốc tốt là điểm nổi bật của nắp ốc. Bên cạnh đó, nó cũng có một vài nhược điểm như chống nước kém, khi tháo mở dễ làm mất ốc, dễ bám bụi vào lỗ bắt ốc,…
2. Theo thiết kế
2.1 Nắp lưng kín (Solid)
Nắp lưng kín là loại phổ biến nhất, thường làm từ thép không gỉ, titan, vàng hoặc hợp kim khác. Thiết kế này giúp bảo vệ bộ máy khỏi bụi, độ ẩm, tăng khả năng chống nước.

Saga Downton Night 71956-SVMWBK-2 sở hữu case back bằng thép không gỉ nguyên khối, được thiết kế kín hoàn hảo, tạo nên lớp bảo vệ vững chắc cho bộ máy bên trong, chống lại mọi tác động của bụi bẩn và thời gian
Với thiết kế này giúp chống nước tốt, thường xuất hiện trên đồng hồ lặn, dễ dàng khắc logo, thông tin thương hiệu, số seri, chỉ số chống nước, v.v. Đặc biệt chúng có độ bền cao, bảo vệ bộ máy khỏi va đập.
Nhược điểm lớn nhất là không thể quan sát bộ máy bên trong, thiếu tính thẩm mỹ đối với ai yêu thích cơ chế hoạt động của bộ máy.
2.2. Nắp lưng trong suốt ( Exhibition)
Nắp lưng trong suốt thường làm từ kính sapphire hoặc kính cứng, cho phép người đeo quan sát hoạt động của bộ máy bên trong. Đây là thiết kế phổ biến trên đồng hồ cơ, đặc biệt là những mẫu có bộ máy có độ hoàn thiện tinh xảo như Skeleton hoặc Open Heart.
Tăng tính thẩm mỹ vì người đeo có thể quan sát rõ bộ máy vận hành, ứng dụng rộng rãi ở phân khúc cao cấp trên đồng hồ cơ Thụy Sỹ & Nhật Bản. Một số thương hiệu như Omega, Patek Philippe còn trang bị lớp kính sapphire đôi để tăng độ bền.

Longines tự hào phô diễn vẻ đẹp cơ khí tinh xảo qua thiết kế nắp lưng kính sapphire trong suốt, cho phép người dùng chiêm ngưỡng trọn vẹn từng chuyển động nhịp nhàng của cỗ máy thời gian
Nhược điểm của chúng là khả năng chống nước thường thấp hơn so với nắp kim loại. Đặc biệt, dễ bám vân tay, bụi bẩn, cần vệ sinh thường xuyên.
2.3. Nắp lưng chạm khắc (Engraved)
Nắp lưng chạm khắc là thiết kế có hoa văn, họa tiết hoặc thông điệp được khắc chìm hoặc nổi trực tiếp trên bề mặt kim loại (thường là thép không gỉ hoặc titan). Những mẫu phiên bản giới hạn, quân đội,…thường sử dụng dạng nắp này.
Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ưa chuộng phong cách chạm khắc này có thể kể đến Paul Newman. Chiếc Rolex Daytona của Paul Newman được vợ ông – Joanne tặng kèm dòng khắc “DRIVE CAREFULLY ME” như một lời nhắc nhở khi lái xe. Một chiếc Daytona khác của ông cũng có dòng chữ “Drive Slowly Joanne” với ý nghĩa tương tự.

Chiếc Rolex Daytona của Paul Newman là một báu vật của giới sưu tầm, là một trong những món đồ được săn đón nhất trên thế giới
Kỹ thuật chạm khắc phổ biến:
- Laser Engraving: Khắc chi tiết sắc nét, độ bền cao sử dụng trên thiết kế hiện đại.
- Hand Engraving: Chạm khắc thủ công, tạo giá trị sưu tầm nhưng chi phí cao.
- Etching (Ăn mòn hóa học): Thường dùng cho số lượng lớn, chi tiết không sâu như laser.
Nắp lưng đồng hồ chạm khắc mang đến dấu ấn riêng thể hiện giá trị thương hiệu, khả năng chống trầy xước tốt hơn nắp lưng kính, có thể cá nhân hóa bằng cách khắc tên hoặc thông điệp riêng.
Vì đây là thiết kế cố định nên không thể thay thế khi cần. Nếu khắc quá nhiều chi tiết, bề mặt có thể bị lồi lõm gây cảm giác khó chịu khi đeo. Một số phương pháp khắc có thể gây ảnh hưởng đến độ bền của kim loại.
2.4. Nắp lưng màu sắc (Colored)
Nắp lưng màu sắc được hoàn thiện bằng công nghệ mạ PVD, anodized hoặc sơn phủ đặc biệt để tạo nên hiệu ứng màu sắc độc đáo. Đây là xu hướng phổ biến trong thiết kế thể thao, thời trang hoặc phiên bản giới hạn.

Công nghệ hoàn thiện màu sắc gồm:
- PVD Coating: Mạ bề mặt bằng công nghệ chân không, tạo độ bền màu cao, chống phai theo thời gian.
- Anodized Aluminum: Phổ biến trên vỏ nhôm, màu sắc sáng và nhẹ nhưng dễ trầy.
- Enamel Painting (Sơn thủ công): Dùng cho thiết kế mang tính nghệ thuật, độ bền cao nhưng chi phí đắt đỏ.
Nắp lưng màu sắc làm nổi bật sản phẩm phù hợp với khách hàng thích cá tính và thời trang. Một số thương hiệu như Hublot, Richard Mille sử dụng hiệu ứng màu để nhấn mạnh DNA thương hiệu. Có thể kết hợp với họa tiết chạm khắc hoặc in logo thương hiệu.
Lớp màu có thể bị trầy hoặc phai theo thời gian nếu không xử lý đúng cách. Một số phương pháp mạ không phù hợp với đồng hồ lặn do ảnh hưởng đến độ kín nước.
2.5. Nắp lưng hiệu ứng 3D (3D-effect)
Nắp lưng hiệu ứng 3D là phiên bản nâng cấp của nắp chạm khắc, trong đó các chi tiết không chỉ khắc đơn thuần mà còn được làm nổi, tạo chiều sâu và hiệu ứng thị giác đặc biệt. Một số mẫu cao cấp, phiên bản giới hạn hoặc mang tính nghệ thuật thường sử dụng kiểu nắp này.
Công nghệ chế tác 3D
- Relief Engraving (Khắc nổi): Phổ biến trên thiết kế quân đội hoặc cổ điển.
- Multi-layer Engraving: Khắc nhiều lớp, tạo chiều sâu ấn tượng.
- Hybrid Printing & Engraving: Kết hợp khắc laser với in UV để tạo hiệu ứng thị giác mạnh.

Nắp lưng hiệu ứng 3D là biểu tượng của sự đẳng cấp và tính nghệ thuật, chinh phục trái tim người đam mê sưu tầm. Hiệu ứng chiều sâu, bóng đổ đầy mê hoặc đã khiến hãng danh tiếng như Ulysse Nardin, Vacheron Constantin lựa chọn để tô điểm cho các phiên bản giới hạn của mình.
Tuy nhiên, loại nắp lưng này cũng có nhược điểm nhất định. Chi phí sản xuất cao, quy trình chế tác phức tạp là yếu tố khiến nó trở nên đắt đỏ. Ngoài ra, một số thiết kế có thể gây cảm giác cộm hoặc không thoải mái khi đeo.
Lịch sử phát triển của case back trong ngành đồng hồ
Giai đoạn tiền đề (trước thế kỷ 19)
Trong giai đoạn đầu của ngành chế tác, đặc biệt là với đồng hồ bỏ túi, cấu trúc case back có thiết kế với hai lớp nắp lưng. Lớp nắp thứ nhất cố định vào phần thân vỏ, đóng vai trò như một lớp bảo vệ cơ bản. Lớp nắp thứ hai, kết nối với lớp thứ nhất thông qua bản lề, cho phép người dùng tiếp cận bộ máy bên trong.
Trước năm 1830, cơ chế điều chỉnh thời gian còn thô sơ, đòi hỏi người dùng phải sử dụng chìa khóa để lên dây cót, cài đặt thời gian thông qua lỗ trên nắp lưng, phản ánh sự hạn chế về kỹ thuật và công nghệ.
Về mặt thẩm mỹ, nắp lưng đồng hồ bỏ túi trong giai đoạn hoàng kim được chú trọng vào kỹ thuật trang trí như khắc, tráng men, khảm đá quý. Tuy nhiên, sự suy giảm của đồng hồ bỏ túi vào cuối thế kỷ 20 đã làm mai một phần nào kỹ thuật này, mặc dù chúng đã có dấu hiệu phục hồi gần đây.
Giai đoạn chuyển giao (thế kỷ 20)
Sự ra đời của đồng hồ đeo tay đã tạo ra sự thay đổi trong chức năng của nắp đáy. Không chỉ là một bộ phận bảo vệ, chúng trở thành nơi ghi nhận thông tin kỹ thuật quan trọng như mã tham chiếu, số seri, chỉ số chống nước….
Thiết kế nắp lưng cũng có sự thay đổi đáng kể. Từ dạng kim loại đặc truyền thống, thiết kế kính trong suốt (exhibition case back) trở nên phổ biến, cho phép người dùng quan sát hoạt động của bộ máy cơ học.
Giai đoạn hiện đại (thế kỷ 21)
Sự phát triển của công nghệ đã mở ra những khả năng mới cho nắp đáy. Việc tích hợp chip điện tử không cần nguồn cấp điện, cho phép người dùng truy xuất thông tin về lịch sử bảo dưỡng, xác thực nguồn gốc, là một ví dụ điển hình.
Sự kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại trong thiết kế case back giúp nâng cao trải nghiệm người dùng, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ngành chế tác đồng hồ.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Các loại dây da đồng hồ & 8 kiểu phổ biến nhất
Giải mã cọc số đồng hồ & Phân loại các thiết kế
Các loại dây đồng hồ kim loại thịnh hành nhất
Đồng hồ Vintage là gì? Lý giải sức hút vượt thời gian
Các loại dây đồng hồ phổ biến – Đặc điểm chi tiết & cách chọn
Đá Swarovski – “Vũ khí quyến rũ” của đồng hồ thời trang
Đồng hồ Dress Watch là gì? Cách nhận diện & lựa chọn
Nhận biết 20 loại kim đồng hồ kinh điển ứng dụng chế tác
THẢO LUẬN