Case – Vỏ đồng hồ là gì? Chất liệu & 9 thành phần tạo nên

Case - Vỏ đồng hồ là gì? Chất liệu & 9 thành phần tạo nên

Bạn nghĩ vỏ đồng hồ chỉ đơn giản là lớp bảo vệ bên ngoài? Cũng đúng nhưng chưa đủ. Nó không chỉ là lớp giáp quyết định độ bền, phong cách mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của cỗ máy thời gian. Trong bài viết này, bạn sẽ khám phá tất tần tật những thông tin thú vị liên quan.

MỤC LỤC

› Vỏ đồng hồ là gì?

› 9 thành phần chính của vỏ đồng hồ đeo tay

› Chất liệu vỏ đồng hồ thông dụng

1. Thép không gỉ

2. Titanium

3. Ceramic

4. Carbon

5. Bạch kim

6. Vàng

› Các thông số quan trọng cần biết về vỏ đồng hồ

1. Case size (Kích thước vỏ đồng hồ)

2. Case back (Mặt sau vỏ)

3. Case number (Số seri của vỏ)

› Hình dạng vỏ đồng hồ phổ biến

1. Tròn

2. Hình chữ nhật/Tank

3. Hình vuông

4. Oval

5. Cushion

6. Carage/ East-West

7. Tonneau

8. Phi đối xứng (Asymmetrical)

9. Hình bát giác

10. Vỏ Avant-garde

Vỏ đồng hồ là gì?

Case – Vỏ đồng hồ là vỏ bảo vệ bên ngoài giúp bảo vệ bộ máy bên trong khỏi bụi bẩn, nước, va đập và các tác động khác. Tùy vào ngữ cảnh, chúng có thể chỉ toàn bộ phần vỏ (bao gồm khung vỏ, viền, nắp đáy, kính…) hoặc chỉ riêng phần khung vỏ.

Có nhiều kích thước vỏ khác nhau, phù hợp với từng đối tượng, từ kiểu dáng nam mạnh mẽ đến case đồng hồ nữ thanh lịch. Ngoài ra, còn có nhiều loại với thiết kế, chất liệu đa dạng để đáp ứng nhu cầu người dùng.

Cận cảnh các bộ phận của vỏ đồng hồ đeo tay

Cận cảnh vỏ đồng hồ đeo tay

9 thành phần chính của vỏ đồng hồ đeo tay

1. Vỏ giữa (Middle Part): Vỏ giữa là phần khung chính bao quanh bộ máy, nơi gắn trực tiếp các bộ phận khác như nắp đáy, nút bấm, viền bezel…Dù ít được chú ý, đây là cấu trúc nền tảng quan trọng của bộ vỏ.

2. Viền bezel (Bezel): Bezel là vòng viền bao quanh mặt kính, giữ cố định kính trên đồng hồ. Bezel có nhiều kiểu thiết kế khác nhau, từ cố định đến xoay được để hỗ trợ các chức năng như đo thời gian lặn.

3. Mặt kính (Crystal): Bảo vệ mặt số khỏi bụi bẩn, nước và va đập.Tùy theo chất liệu, có các loại kính như sapphire, kính khoáng, acrylic…mỗi loại có ưu nhược điểm riêng.

Có thể tham khảo thêm:

4. Núm chỉnh (Crown): Nằm ở mặt bên của vỏ đồng hồ, thường ở vị trí 3 giờ (hoặc 9 giờ trên một số mẫu đặc biệt). Nó kết nối trực tiếp với bộ máy bên trong dùng để chỉnh giờ, lịch hoặc lên dây cót (đối với máy cơ).

Trên một số mẫu thể thao hoặc lặn, núm chỉnh có thể có cơ chế vặn ren (Screw-Down Crown) để tăng khả năng chống nước.

5. Nút bấm (Pusher): Xuất hiện trên các mẫu có tính năng đặc biệt như chronograph, báo thức…Nút bấm hoạt động như một công tắc kích hoạt chức năng.

6. Nút điều chỉnh phụ (Connector): Giống nút bấm nhưng cần dụng cụ chuyên dụng để thao tác, giúp tránh chỉnh nhầm. Thường dùng để điều chỉnh lịch, múi giờ…

7. Gioăng chống nước (Gasket): Gioăng là vòng đệm cao su hoặc silicon nằm giữa các bộ phận của vỏ để đảm bảo khả năng chống nước. Tùy vào thiết kế, gioăng có nhiều loại với hình dáng, độ dày khác nhau.

8. Vấu nối (Lug): Phần kết nối giữa vỏ đồng hồ đeo tay và dây đeo, thường được gia công liền với vỏ giữa. Thiết kế vấu ảnh hưởng đến độ thẩm mỹ cũng như sự thoải mái khi đeo.

9. Nắp đáy (Case Back): Nắp đáy nằm ở mặt sau, giúp bảo vệ bộ máy, hỗ trợ sửa chữa, thay pin…Có ba kiểu nắp đáy phổ biến:

  • Vặn ren (Screw-On): Vặn chặt vào vỏ giữa bằng ren xoắn.
  • Bắt vít (Screw-Down): Cố định bằng ốc vít nhỏ.
  • Ép chặt (Snap-On): Gắn chặt vào vỏ giữa mà không cần vít hoặc ren.
9 bộ phận cấu tạo nên một chiếc vỏ đồng hồ đeo tay

Cấu tạo của case đồng hồ, hình trên phần case back là lớp kính trong ở mặt sau

Chất liệu vỏ đồng hồ thông dụng

1. Thép không gỉ

Thép không gỉ là một trong những chất liệu vỏ đồng hồ đeo tay phổ biến nhất trong ngành chế tác. Phát minh bởi chuyên gia luyện kim Harry Brearley, chất liệu này sở hữu nhiều ưu điểm nổi bật.

Ưu điểm:

  • Độ bền cao, chống ăn mòn tốt: Nhờ chứa ít nhất 10.5% Crom, kết hợp với sắt, cacbon – thành phần ngăn ngừa quá trình oxy hóa, chịu tác động của môi trường tốt.
  • Ứng dụng rộng rãi: Xuất hiện trên nhiều dòng từ trung cấp đến cao cấp với mức giá hợp lý.

Nhược điểm:

  • Dễ trầy xước: Độ cứng chỉ đạt 5.5 – 6 Mohs, kém hơn so với titanium hay ceramic nên khả năng chống trầy xước cũng thấp hơn.
  • Trọng lượng nặng: Có khối lượng riêng lớn nên khi đeo lâu có thể gây cảm giác không thoải mái, đặc biệt là các dòng thể thao có nhiều chức năng.
  • Có thể gây dị ứng: Thép không gỉ 906L có hàm lượng niken cao nên có khả năng gây dị ứng cho người dùng.

Với ưu điểm về độ bền, giá thành, thép không gỉ vẫn là lựa chọn hàng đầu cho ai tìm kiếm một cỗ máy chất lượng với mức giá hợp lý.

Case đồng hồ làm từ chất liệu thép không gỉ đến từ thương hiệu Saga

Saga Stella Chance 53578-SVVTSV-2 với viền bezel và dây đeo từ thép không gỉ 316L mang đến diện mạo sang trọng, cuốn hút

2. Titanium

Titanium là hợp kim cao cấp với màu xám đặc trưng. Chất liệu này được ứng dụng trong ngành chế tạo tên lửa mà còn trở thành lựa chọn lý tưởng cho những chiếc cỗ máy đòi hỏi sự bền bỉ, hiện đại.

Ưu điểm:

  • Trọng lượng nhẹ: Chỉ bằng 60% trọng lượng thép không gỉ, mang lại cảm giác đeo thoải mái.
  • Độ bền cao: Chống va đập, chịu lực tốt, hạn chế biến dạng khi gặp tác động mạnh.
  • Chống ăn mòn vượt trội: Không bị oxy hóa bởi mồ hôi, nước biển hay các tác nhân môi trường khác.
  • An toàn cho da: Không gây dị ứng, thích hợp với người có làn da nhạy cảm.

Nhược điểm:

  • Khó gia công: Yêu cầu công nghệ, thiết bị chuyên dụng, tốn nhiều thời gian hoàn thiện.
  • Giá thành cao: Titanium đắt hơn đáng kể so với thép không gỉ do chi phí nguyên liệu và gia công lớn.
  • Dễ trầy xước: Độ cứng của titanium chỉ đạt khoảng 6 Mohs, dễ bị trầy hơn so với ceramic.

Titanium mang lại sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ tiên tiến, thiết kế hiện đại, là lựa chọn đáng cân nhắc cho ai tìm kiếm một cỗ máy bền bỉ, nhẹ nhàng, sang trọng. Nhiều hãng như Citizen, Seiko, Omega,.. đều sử dụng chất liệu này cho thiết kế của mình.

3. Ceramic

Ceramic (hay gốm kỹ thuật cao) là một trong số vật liệu tiên tiến nhất ứng dụng trong chế tác vỏ đồng hồ. Rado là thương hiệu tiên phong trong việc sử dụng ceramic, với mẫu Diastar ra mắt vào năm 1962. Chất liệu này tạo thành từ các hợp chất như oxit, nitrit và cacbua, trải qua quá trình nung ở nhiệt độ cực cao, giúp gia tăng mật độ phân tử, tối ưu độ cứng.

Ưu điểm:

  • Chống trầy xước hoàn hảo: Với độ cứng lên đến 8.5 điểm trên thang Mohs, ceramic gần như miễn nhiễm với vết trầy xước từ va chạm thông thường, chỉ đứng sau kim cương, sapphire.
  • Trọng lượng nhẹ: So với thép không gỉ, ceramic nhẹ hơn 20 – 30%, mang lại cảm giác đeo thoải mái mà không gây áp lực lên cổ tay.
  • Tính thẩm mỹ: Ceramic có bề mặt siêu mịn, bóng tự nhiên, bền màu theo thời gian, không ăn mòn an toàn cho da, kể cả da nhạy cảm.
  • An toàn cho da: Ceramic là vật liệu trơ hóa học, không chứa niken, phù hợp với người có làn da nhạy cảm hoặc dị ứng kim loại.

Nhược điểm: 

  • Dễ vỡ, sứt mẻ: Ceramic tuy cứng nhưng giòn, dễ nứt vỡ khi va đập mạnh. Không như kim loại có thể móp mà không vỡ, ceramic khi chịu va đập ở góc độ và lực nhất định có thể nứt hoặc vỡ hoàn toàn, hầu như không thể sửa chữa.
  • Khó gia công, chi phí cao: Ceramic đòi hỏi công nghệ chế tác tiên tiến với máy cắt laser hoặc gia công CNC tốc độ cao, khiến giá thành sản xuất cao hơn đáng kể so với thép không gỉ hay titanium.

4. Carbon

Sợi carbon là một vật liệu lâu đời, do Thomas Edison phát minh vào năm 1879. Với thành phần chủ yếu từ nguyên tố cacbon (90%), vật liệu này sở hữu đặc tính siêu nhẹ, độ bền cao, khả năng chống trầy xước tương đối tốt, gần giống kim cương.

Ưu điểm:

  • Nhẹ và bền: Sợi carbon có trọng lượng nhẹ nhưng độ cứng cao, chịu lực kéo giãn lớn, thường sử dụng trong chế tác siêu xe, xe đua, dòng mthể thao cao cấp, ít bị ảnh hưởng bởi môi trường.
  • Chịu nhiệt tốt: Vật liệu này có khả năng chịu nhiệt cao, phù hợp với điều kiện khắc nghiệt.
  • Siêu nhẹ, độ bền cao: Sợi carbon có trọng lượng nhẹ nhưng lại rất cứng cáp, chịu nhiệt tốt, ít bị ảnh hưởng bởi môi trường.

Nhược điểm:

  • Dễ giòn, dễ bị ăn mòn điện hóa: Sợi carbon có thể dẫn điện, làm tăng nguy cơ ăn mòn kim loại. Vì vậy, vỏ đồng hồ carbon thường được phủ thêm lớp bảo vệ, như nhựa hoặc vật liệu đặc biệt khác.
  • Chi phí gia công cao: Quá trình sản xuất sợi carbon đòi hỏi công nghệ tiên tiến, khiến giá thành của chúng cao hơn so với vật liệu truyền thống.

Trong ngành chế tác cỗ máy thời gian, sợi carbon có đường kính từ 7 – 10 μm, tạo thành từ khoảng 30.000 sợi đơn, xoắn hoặc cuộn vào nhau để tạo thành lớp vỏ cứng cáp. Thương hiệu cao cấp như Richard Mille, Audemars Piguet, Hublot, Panerai đã ứng dụng vật liệu này để tạo ra những mẫu thể thao đắt giá, mang đến vẻ ngoài mạnh mẽ, hiện đại.

5. Bạch kim

Bạch kim (Platinum) là một kim loại quý hiếm được các hãng xa xỉ sử dụng cho case đồng hồ nữ và nam, có thể kể đến như Rolex, Patek Philippe, Audemars Piguet,..

Ưu điểm:

  • Độ bền vượt trội: Bạch kim có đặc tính cứng, dẻo dai, giúp case đồng hồ chịu va đập tốt hơn so với vàng. Không bị oxy hóa hay xỉn màu theo thời gian, giữ vẻ đẹp sang trọng.
  • Giá trị cao: Là kim loại quý hiếm, đồng hồ bạch kim có giá trị sưu tầm lớn, ít mất giá theo thời gian.
  • Vẻ đẹp tinh tế: Màu trắng bạc tự nhiên của bạch kim mang lại vẻ ngoài sang trọng, thanh lịch, phù hợp với ai yêu thích sự tối giản nhưng đẳng cấp.

Nhược điểm:

  • Trọng lượng nặng: Bạch kim nặng hơn vàng và thép không gỉ, có thể gây cảm giác khó chịu khi đeo lâu.
  • Độ cứng trung bình: Bạch kim có độ cứng 4.5 trên thang Mohs, nghĩa là khả năng chống trầy xước thấp hơn so với thép không gỉ hoặc gốm ceramic.
  • Giá thành cao: Là kim loại quý hiếm, khó chế tác, các thiết kế sử dụng chất liệu này có giá rất đắt đỏ. Việc đánh bóng, sửa chữa cũng đòi hỏi kỹ thuật cao, kéo theo chi phí lớn.

Dù hạn chế về trọng lượng, giá thành, vỏ đồng hồ bạch kim vẫn là biểu tượng của sự xa xỉ bền bỉ, là sản phẩm yêu thích của giới thượng lưu.

6. Vàng

Từ lâu, vàng đã gắn liền với những mẫu cao cấp dành cho giới quý tộc. Ngày nay, chất liệu này được ứng dụng dưới nhiều hình thức như mạ vàng, mạ PVD, Two-tone và vàng nguyên khối.

Ưu điểm:

  • Sang trọng & đẳng cấp: Vàng là biểu tượng của sự giàu có quyền lực, mang lại vẻ ngoài sang trọng, phù hợp với ai yêu thích sự tinh tế đẳng cấp.
  • Chống ăn mòn & oxy hóa: Có khả năng chống ăn mòn vượt trội, không bị gỉ sét theo thời gian như kim loại khác.
  • Giá trị đầu tư cao: Đặc biệt với các mẫu từ thương hiệu danh tiếng như Rolex, Patek Philippe, Omega, giá trị có thể tăng theo thời gian, trở thành tài sản sưu tầm.
  • Dễ gia công & tạo màu sắc đa dạng: Công nghệ mạ PVD giúp vàng có thể kết hợp với kim loại khác để tạo ra nhiều sắc độ như vàng hồng, vàng champagne, vàng trắng…

Nhược điểm:

  • Giá thành cao: Đồng hồ vàng, đặc biệt là vàng khối 18K, 24K có giá rất đắt đỏ, không phổ biến như thép không gỉ hay titanium.
  • Dễ trầy xước & móp méo: Vàng mềm hơn so với thép hoặc ceramic, dễ bị trầy hoặc móp khi va chạm mạnh.
  • Trọng lượng nặng: So với thép không gỉ, vàng có trọng lượng nặng gấp đôi, có thể gây cảm giác nặng tay khi đeo trong thời gian dài.
  • Sản phẩm mạ vàng có độ bền thấp hơn: Lớp mạ vàng (Gold plated) hoặc mạ PVD có thể phai màu theo thời gian, đặc biệt khi tiếp xúc nhiều với mồ hôi, hóa chất.

Mặc dù có một số hạn chế tuy nhiên với vẻ đẹp sang trọng, độ bền cao, giá trị đầu tư lâu dài, case đồng hồ bằng vàng vẫn là lựa chọn hàng đầu được giới thượng lưu, nhà sưu tầm đặc biệt ưa chuộng

Phiên bản vỏ đồng hồ mạ PVD vàng hồng giúp tôn lên vẻ đẹp sang trọng cho các nàng

Saga 53766-GPMWGP-2 phiên bản mạ PVD vàng hồng sang trọng, dành cho những quý cô yêu thích phong cách tinh tế và bền bỉ

Các thông số quan trọng cần biết về vỏ đồng hồ

1. Case size (Kích thước vỏ đồng hồ)

Case Size là thông số thể hiện kích thước tổng thể của bộ vỏ, bao gồm đường kính vỏ (Case Diameter) và độ dày vỏ (Case Thickness). Đây là yếu tố quan trọng giúp bạn chọn thiết kế phù hợp với cổ tay.

  • Case Diameter (Đường kính vỏ): Là khoảng cách từ mép này sang mép kia của mặt đồng hồ, không tính núm chỉnh hoặc vấu dây. Thông số này quyết định độ to nhỏ của đồng hồ khi đeo.
  • Case Thickness (Độ dày vỏ): Đây là thông số chỉ chiều cao của vỏ, đo từ mặt đáy đến mặt kính. Trong hầu hết các trường hợp, độ dày bao gồm cả mặt kính. Tuy nhiên, với một số mẫu có mặt kính cong hoặc khung vỏ đặc biệt, độ dày có thể chỉ tính phần khung vỏ mà không bao gồm mặt kính.

Đọc thêm: Độ dày đồng hồ là gì? Cách chọn độ dày đồng hồ phù hợp

2. Case back (Mặt sau vỏ)

Case Back là phần nắp lưng phía sau đóng vai trò bảo vệ bộ máy bên trong. Có 4 loại phổ biến:

  • Nắp đáy cậy: Dùng dụng cụ chuyên dụng để cậy ra. Độ chống nước thường không cao nhưng một số mẫu cao cấp có khả năng chống nước tốt hơn.
  • Nắp đáy kính: Là mặt lưng bằng kính trong suốt, giúp quan sát bộ máy bên trong. Thường xuất hiện trên thiết kế automatic lộ máy.
  • Nắp đáy xoay: Mở bằng cách xoay theo đúng hướng. Loại nắp này có độ chống nước rất cao, thường xuất hiện trên các mẫu đồng hồ lặn.
  • Nắp đáy vít: Gắn bằng ốc vít, thường có trên máy Quartz giá rẻ. Khả năng chống nước không cao.

3. Case number (Số seri của vỏ)

Case Number là dãy số được khắc ở mặt sau giúp xác định model, xuất xứ hoặc kiểm tra tính chính hãng của sản phẩm.

Chi tiết các thông số trên vỏ đồng hồ đeo tay

Cận cảnh các thông số trên case đồng hồ – Ảnh sản phẩm Saga Stella Chance 53578-SVSVRD-2

Hình dạng vỏ đồng hồ phổ biến

Hình dạng vỏ đồng hồ không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn quyết định phong cách cũng như trải nghiệm đeo của người dùng. Dưới đây là hình dáng của các loại vỏ đồng hồ phổ biến hiện nay:

1. Tròn

Đây là kiểu dáng phổ biến nhất, chiếm phần lớn thị trường hiện nay. Với thiết kế cân đối, hài hòa, dễ đeo, case tròn phù hợp với nhiều phong cách từ cổ điển đến hiện đại. Các thương hiệu nổi tiếng như Rolex, Omega, Patek Philippe đều có những mẫu đồng hồ tròn mang tính biểu tượng.

Case đồng hồ dáng tròn

Kiểu dáng tròn kinh điển, phù hợp với mọi phong cách thời trang – Ảnh sản phẩm Saga Stella 53585-RGMPRG-2L

2. Hình chữ nhật/Tank

Vỏ đồng hồ hình chữ nhật xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, gắn liền với phong trào nghệ thuật Art Deco, lấy cảm hứng từ hình dáng xe tăng trong Thế chiến thứ I. Cartier là thương hiệu tiên phong với dòng đồng hồ dáng Tank ra mắt năm 1917, nhanh chóng trở thành biểu tượng của sự thanh lịch, sang trọng.

Cỗ máy dáng Tank thường được giới quý tộc, hoàng gia yêu thích bởi thiết kế tinh tế, giúp cổ tay trông thon gọn, đẳng cấp hơn. Tuy nhiên, kiểu dáng này không phù hợp với ai thích sự mạnh mẽ hoặc phong cách thể thao. Thiết kế case chữ nhật cũng kén người đeo hơn so với case tròn và ít phổ biến trên thị trường.

Case đồng hồ nữ dáng Tank

Saga 71836-SVSVPK-2 toát lên vẻ đẹp thanh lịch, cổ điển tái hiện phong cách đồng hồ Tank thập niên 90

3. Hình vuông

Case vuông xuất hiện từ đầu những năm 1900, trở nên thịnh hành trong thập niên 1920-1930. Với thiết kế góc cạnh, kiểu dáng này mang đến vẻ ngoài mạnh mẽ, khác biệt có phần táo bạo. 

Đây là lựa chọn phù hợp cho ai muốn thể hiện phong cách cá tính. Một số mẫu nổi bật của kiểu dáng này bao gồm TAG Heuer Monaco, Bell & Ross hay Cartier Santos. 

Tuy nhiên, so với case đồng hồ dáng tròn, kiểu vuông có thể hơi kén cổ tay, đặc biệt với người có cổ tay nhỏ. Ngoài ra, đây cũng không phải lựa chọn tối ưu nếu bạn cần một thiết kế dễ kết hợp với nhiều phong cách khác nhau.

Vỏ đồng hồ hình vuông phù hợp với các nàng có cổ tay nhỏ

Saga Stella 80737-LGMWLG-2L nét chấm phá tinh tế với thiết kế cách điệu, mang đến sự dịu dàng nhưng vẫn đầy cá tính cho phái đẹp

4. Oval

Case oval hiếm gặp và mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt khi xuất hiện trên chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên thế giới – Breguet No. 2639, chế tác riêng cho nữ hoàng Naples Caroline Murat vào năm 1810. Đến nay, thiết kế này vẫn được Breguet kế thừa qua bộ sưu tập Reine de Naples với mặt số lệch tâm đầy nghệ thuật.

Đồng hồ case oval phá cách

Đồng hồ Saga 71931-CGGRCG-2 có vẻ đẹp cổ điển hòa cùng sắc xanh lá trendy, case oval đính đá tinh xảo, tựa như chiếc gương bước ra từ truyện cổ tích

5. Cushion

Case Cushion có đường nét bo tròn mềm mại nhưng vẫn mạnh mẽ, là sự kết hợp hài hòa giữa hình vuông và tròn. Kiểu dáng này phổ biến trên đồng hồ lặn, thể thao nhờ kích thước lớn, chống nước tốt, với những mẫu tiêu biểu như Panerai Luminor, Seiko Turtle, Rolex Deepsea Special.

Vỏ đồng hồ dáng Cushion kết hợp hài hòa giữa dáng hình tròn và vuông

6. Carage/ East-West

Case đồng hồ Carage (hay còn gọi là East-West) là một thiết kế hiếm gặp, với hình dạng gần giống oval nhưng nằm ngang thay vì dựng thẳng. Kiểu dáng này mang đến sự phá cách trong cách hiển thị thời gian, tạo nên một diện mạo độc đáo hiện đại.

Case Carage có hình dáng gần giống oval nhưng nằm ngang

7. Tonneau

Case Tonneau, có nghĩa là “thùng” trong tiếng Pháp, mang dáng vẻ như một chiếc thùng rượu với hai cạnh trên và dưới thẳng, trong khi hai cạnh bên cong mở rộng ở thân giữa. Kiểu thiết kế này được Louis Cartier giới thiệu lần đầu vào năm 1906, tạo nên một phong cách thanh lịch nhưng không kém phần mạnh mẽ.

Đồng hồ dáng Tonneau có dáng như một chiếc thùng rượu

8. Phi đối xứng (Asymmetrical)

Case phi đối xứng có thiết kế lệch, tạo vẻ độc đáo. Xu hướng này bắt đầu từ mẫu Asymétrique (1936) của Cartier, sau đó được nhiều thương hiệu kế thừa. Đến thập niên 1960, khoảng 30 mẫu ra đời, hầu hết là phiên bản giới hạn. Một số thiết kế tiêu biểu gồm Hamilton Ventura, Vacheron Constantin 1972, Urwerk UR-T8.

Đồng hồ Saga với thiết kế phi đối xứng độc đáo

Saga Stella 80727-GPMWGP-2L thiết kế mặt số phi đối xứng độc đáo, tạo điểm nhấn khác biệt và mới mẻ

9. Hình bát giác

Case bát giác xuất hiện từ thời đồng hồ bỏ túi, nhưng Audemars Piguet tiên phong đưa vào phiên bản đeo tay năm 1917. Bước ngoặt lớn đến năm 1972 với Royal Oak – mẫu thể thao cao cấp thép không gỉ do Gerald Genta thiết kế. Vành bezel 8 cạnh và mặt số tapisserie đã biến nó thành biểu tượng chế tác. Sau đó, Cartier, Bulgari, Girard-Perregaux cũng ra mắt các mẫu bát giác đầy cá tính, sáng tạo.

Vỏ đồng hồ đeo tay hình bát giác

10. Vỏ Avant-garde

Case Avant-Garde phá vỡ mọi quy tắc thiết kế, mang tinh thần thử nghiệm táo bạo. Không dành cho số đông, phong cách này thu hút giới sưu tập. Hublot, De Bethune, MB&F, Urwerk tiên phong với thiết kế vượt qua ranh giới truyền thống. Mỗi thiết kế là một tuyên ngôn nghệ thuật.

Vỏ Avant-garde phá vỡ mọi quy tắc, tạo nên thiết kế tiên phong độc đáo
Chia sẻ này có hữu ích cho bạn?
Hữu ích
Không hữu ích

THẢO LUẬN

Chưa có thảo luận nào.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *