Bạn đã bao giờ để ý đến kiểu dáng kim đồng hồ trên cổ tay mình chưa? Không chỉ thực hiện chức năng của báo giờ, phút, giây của mình, chúng còn thể hiện thẩm mỹ đặc trưng cho từng dòng đồng hồ. Khám phá ngay 20 kiểu kim phổ biến dưới đây.
MỤC LỤC › Các loại kim đồng hồ phổ biến hiện nay › Lịch sử ra đời của những chiếc kim đồng hồ › Quy trình chế tạo ra kim đồng hồ |
Các loại kim đồng hồ sử dụng phổ biến hiện nay
Kim đồng hồ không chỉ là bộ phận chức năng mà còn là yếu tố thẩm mỹ quan trọng, góp phần tạo nên phong cách, dấu ấn riêng cho mỗi cỗ máy thời gian. Dưới đây là các loại kim đồng hồ phổ biến nhất hiện nay:
1. Kim Alpha

Kim đồng hồ giờ và phút với thiết kế dáng Alpha thon gọn
Kim Alpha có hình dáng thon gọn, nhọn dần về phía đầu, tạo cảm giác thanh lịch, tinh tế. Kim Alpha thường đi cùng cọc số La Mã hoặc cọc vạch mảnh, giúp mặt số trở nên hài hòa, dễ đọc.
Nhờ sự cân bằng giữa tính thẩm mỹ và công năng, kim đồng hồ Alpha vẫn luôn được ưa chuộng trên cả thiết kế cổ điển lẫn hiện đại. Một số sản phẩm nổi bật sử dụng kim Alpha có thể kể đến Omega Speedmaster, A. Lange & Söhne Datograph, Parmigiani Fleurier Tonda Metrographe – những biểu tượng của sự tinh xảo trong chế tác cỗ máy thời gian.
2. Kim Arrow

Kim đồng hồ Arrow trên hình là vị trí kim phút với đầu nhọn hình mũi tên
Kim Arrow có thiết kế sắc nét với phần đầu nhọn như mũi tên, giúp người đeo dễ dàng xác định thời gian một cách chính xác. Loại kim này thường xuất hiện trên các dòng thể thao hoặc hàng không, nơi yêu cầu độ rõ ràng cao. Nhờ thiết kế đặc trưng, kim Arrow mang đến vẻ mạnh mẽ, cá tính sử dụng trong sản phẩm hướng đến sự năng động.
3. Kim Broad Arrow

Kim đồng hồ Broad Arrow ở kim phút với phần đầu hình tam giác
Kim Broad Arrow là một dạng biến thể của kim Arrow nhưng có phần đầu rộng hơn, tạo hình tam giác rõ nét để tăng khả năng hiển thị. Thiết kế này không chỉ xuất hiện ở cỗ máy thời gian thông thường mà còn gắn liền với mẫu đồng hồ quân đội Anh trong Thế chiến thứ hai.
Đặc biệt, năm 1957 đánh dấu cột mốc quan trọng khi Broad Arrow lần đầu xuất hiện trên chiếc Omega Speedmaster, mở ra một chương mới trong lịch sử thương hiệu và trở thành một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành công vang dội của Omega.
4. Kim Pencil

Kim đồng hồ Pencil (ở kim giờ và phút) thanh mảnh giúp tăng khả năng hiển thị, mang lại trải nghiệm xem giờ rõ ràng và trực quan
Kim Pencil (kim bút chì) có thiết kế thanh mảnh với phần thân thẳng, đầu nhọn, gợi nhớ đến hình dáng của một chiếc bút chì được chuốt nhọn. Nhờ thiết kế tối giản, cân đối, loại kim này mang lại khả năng hiển thị rõ ràng, dễ đọc.
Kim Pencil thường có bề mặt vừa đủ để phủ dạ quang, giúp người đeo dễ dàng xem giờ ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu. Vì vậy, nó thường dùng trên mẫu tool watches như đồng hồ phi công và lặn.
5. Kim Baton

Kim đồng hồ Baton (kim giờ và phút) cứng cáp, sắc nét, giúp tối ưu khả năng hiển thị và mang đến vẻ đẹp hiện đại, mạnh mẽ
Kim Baton sở hữu thiết kế thẳng, dạng hình chữ nhật với độ rộng đồng nhất từ gốc đến đầu kim. Nhờ vào kiểu dáng đơn giản, dễ nhìn, loại kim này thường xuất hiện trên dòng dress watch hoặc mang phong cách tối giản.
Từ năm 1960 – 1970, kim Baton trở nên phổ biến, đặc biệt trên mẫu Omega Constellation. Thông thường, loại kim này đi kèm với cọc số thanh mảnh để tạo nên tổng thể hài hòa, tinh tế.
6. Kim Breguet

Kim đồng hồ Breguet hay kim giọt lệ Breguet ra đời vào năm 1783 bởi Abraham-Louis Breguet. Thiết kế kim Breguet mang đậm dấu ấn tinh tế của ông, với đặc trưng là dáng thanh mảnh, thẳng, tinh tế, đầu kim có vòng tròn nhỏ như giọt lệ, tạo nên sự khác biệt rõ rệt so với các loại kim khác.
Hầu hết kim Breguet chế tác từ thép nung xanh, mang đến vẻ đẹp huyền bí, sang trọng. Chính sự tinh tế, cổ điển này đã khiến nó trở thành lựa chọn không thể thiếu trên những chiếc cỗ máy xa xỉ.
7. Kim Lollipop

Kim đồng hồ Lollipop (ở kim giây) đặc trưng của Omega tạo điểm nhấn tinh tế, mang đến vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại
Với tên gọi đáng yêu “kim que kẹo”, loại kim này có đầu hình tròn giống viên kẹo mút. Kim Lollipop thường xuất hiện trên đồng hồ lặn, với phần đầu tròn phủ dạ quang để tăng khả năng hiển thị trong điều kiện thiếu sáng. Kim giây dạng này giúp người dùng dễ dàng theo dõi trạng thái hoạt động của cỗ máy.
8. Kim Cathedral

Kim đồng hồ Cathedral (ở kim giờ) với phần đầu mở rộng đặc trưng, tạo nét cổ điển và tăng khả năng quan sát trong mọi điều kiện ánh sáng
Kim đồng hồ Cathedral có thiết kế đặc trưng với phần thân thuôn dài, phần đầu mở rộng, chia thành nhiều ô nhỏ như cửa sổ kính màu của nhà thờ Gothic. Thông thường, kim giờ sẽ có phần đầu phình to với họa tiết hình vòm hoặc khung lưới, tạo cảm giác cổ điển, phức tạp, trong khi kim phút thường dài, thanh mảnh hơn nhưng vẫn giữ nét chạm khắc tương tự.
Kim Cathedral với thiết kế tinh xảo từng xuất hiện trên huyền thoại như Longines Lindbergh và mẫu phi công đời đầu của Omega. Không chỉ mang vẻ đẹp hoài cổ, loại kim này còn tối ưu tầm nhìn, đặc biệt trong mẫu quân đội và hàng không.
9. Kim Leaf

Saga 71931-SVBNBN-2 nổi bật với thiết kế kim đồng hồ Leaf mềm mại, mang đến vẻ đẹp thanh lịch và cổ điển đầy cuốn hút.
Kim Leaf, hay còn gọi là kim Willow, có thiết kế mềm mại với phần thân phình nhẹ ở giữa, thuôn nhọn về hai đầu, tạo nên vẻ thanh lịch và cổ điển. Nhờ đường nét uyển chuyển, kiểu kim này mang lại cảm giác tinh tế, giúp toát lên vẻ sang trọng vượt thời gian.
Chúng thường xuất hiện trên thiết kế dress watch, đặc biệt thịnh hành trong thập niên 1920 – 1950, thời kỳ đề cao sự tinh xảo trong chế tác. Nhiều thương hiệu danh tiếng như Patek Philippe, Audemars Piguet, Vacheron Constantin đã ứng dụng kiểu kim này vào thiết kế cổ điển của họ. Không chỉ giúp hiển thị thời gian rõ ràng, nó còn góp phần tạo nên nét thẩm mỹ thanh lịch, phù hợp với ai yêu thích phong cách tinh giản nhưng đầy đẳng cấp.
10. Kim Paddle

Kim đồng hồ Paddle (ở kim giờ và phút) có thiết kế rộng bản, vuông vức với phần đầu mở rộng như mái chèo
Kim Paddle có hình dạng giống mái chèo với phần đầu rộng và dẹt, giúp người dùng dễ dàng theo dõi thời gian. Thiết kế này thường thấy trên đồng hồ phi công và thể thao, hỗ trợ quan sát nhanh chóng ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu. Nhờ diện tích bề mặt lớn, kim Paddle thường phủ dạ quang để tăng khả năng hiển thị trong môi trường tối.
11. Kim Dauphine

Saga Signature 53458-SVMWSW-2L gây ấn tượng với bộ kim đồng hồ hình thoi (Dauphine) sắc sảo, thiết kế góc cạnh tinh tế giúp phản chiếu ánh sáng, tôn lên vẻ đẹp sang trọng và cuốn hút
Kim Dauphine có thiết kế hình tam giác, thuôn nhọn dần từ gốc đến đầu kim, thường được vát cạnh để bắt sáng tốt hơn. Xuất hiện từ năm 1940 – 1950, kiểu kim này nhanh chóng trở thành biểu tượng của sự thanh lịch và vẫn được yêu thích cho đến ngày nay.
Loại kim này thường xuất hiện trên sản phẩm dress watch cao cấp như Patek Philippe Calatrava hay mẫu Rolex cổ điển. Với đường nét sắc sảo và hình khối tinh tế góp phần tạo nên vẻ sang trọng, trường tồn cho cỗ máy thời gian.
12. Kim Telescopic

Kim Telescopic (kim ống lồng) là loại kim có khả năng thu gọn hoặc kéo dài, thường thấy trên mẫu bỏ túi hoặc vintage với cơ chế đặc biệt. Thiết kế này mang tính sáng tạo cao, giúp tối ưu không gian khi không sử dụng và có thể mở rộng khi cần xem thời gian.
Một số dòng cao cấp còn ứng dụng cơ chế này để tạo hiệu ứng chuyển động độc đáo, tăng thêm giá trị thẩm mỹ cũng như kỹ thuật chế tác tinh xảo. Dù ít xuất hiện trên cỗ máy đeo tay hiện đại, kim Telescopic vẫn là một phát minh độc đáo của ngành chế tác.
13. Mercedes

Kim đồng hồ Mercedes (ở kim giờ) đặc trưng của Rolex có thiết kế chia ba ở phần đầu, gợi liên tưởng đến logo của Mercedes-Benz
Kim Mercedes là một thiết kế mang tính biểu tượng, dễ nhận diện nhờ vòng tròn chia ba ở đầu kim giờ, gợi nhớ đến logo của Mercedes-Benz. Rolex lần đầu tiên giới thiệu thiết kế này vào năm 1950 trên mẫu Submariner, GMT – Master, nhằm nâng cao độ rõ nét và độ bền, đặc biệt trên thiết kế chuyên dụng cho thợ lặn và phi công.
Điểm đặc trưng của kim Mercedes là phần đầu kim thường có lớp phủ dạ quang, giúp người đeo dễ dàng xem giờ ngay cả trong môi trường thiếu sáng. Theo thời gian, kim Mercedes đã trở thành dấu ấn nhận diện của Rolex và là biểu tượng gắn liền với thiết kế thể thao mang tính di sản.
14. Pear

Kim đồng hồ Pear (ở kim giờ) có phần đầu phình to thường xuất hiện ở những thiết kế mang hơi hướng cổ điển
Kim Pear có đặc điểm nhận diện là kim giờ có hình dáng giống quả lê, trong khi kim phút và kim giây thường có thiết kế thon dài hoặc nhọn. Loại kim này từng phổ biến trên đồng hồ bỏ túi và treo tường cổ điển nhưng hiếm khi xuất hiện trên mẫu đeo tay hiện đại do kích thước không phù hợp.
Với vẻ đẹp thanh lịch, hoài cổ, kim Pear mang đến một nét thẩm mỹ đặc trưng sử dụng trong thiết kế tái hiện phong cách cổ điển của thương hiệu cao cấp.
15. Plongeur

Kim đồng hồ Plongeur chính là kim phút, có thiết kế to bản với phần đầu hình mũi tên màu cam nổi bật
Kim Plongeur, có nghĩa là “thợ lặn” trong tiếng Pháp, được thiết kế chuyên biệt để đảm bảo khả năng hiển thị tối ưu khi hoạt động dưới nước. Với kích thước lớn, đặc biệt là kim phút dài và nổi bật hơn hẳn so với kim giờ, nó giúp người dùng dễ dàng theo dõi thời gian trong môi trường thiếu sáng.
Xuất hiện từ giữa thế kỷ 20, kim Plongeur thường có màu sắc tương phản mạnh để tăng cường khả năng quan sát. Thiết kế này đã trở thành đặc trưng trên nhiều thiết bị đo thời gian phục vụ thợ lặn, bao gồm cả dòng Seamaster của Omega và vẫn giữ vững vị thế như một biểu tượng của sự chính xác và chuyên dụng trong môi trường khắc nghiệt.
16. Sword

Kim Sword (kim thanh kiếm) mang vẻ ngoài mạnh mẽ với phần thân dày, đầu nhọn, mô phỏng hình dáng sắc bén của một lưỡi kiếm. Tùy vào phong cách thiết kế, kiểu kim này có thể dài và thon gọn hoặc ngắn và rộng, tạo nên sự linh hoạt trong thẩm mỹ của thiết bị đo thời gian.
Nhờ diện tích lớn, kim Sword thường được phủ dạ quang để tối ưu hóa khả năng hiển thị trong điều kiện thiếu sáng. Chính vì thế, chúng thường xuất hiện trên các thiết bị dành cho môi trường khắc nghiệt, giúp người dùng dễ dàng theo dõi thời gian.
Một số thương hiệu nổi bật sử dụng kiểu kim này có thể kể đến Cartier với dòng Tank và Santos, Omega với Seamaster 300, hay Longines Heritage Military.
17. Snowflake

Kim đồng hồ Snowflake ở vị trí kim giờ với kiểu dáng góc cạnh đặc trưng, mang lại vẻ mạnh mẽ và khả năng hiển thị vượt trội
Kim Snowflake gắn liền với thương hiệu Tudor – thương hiệu chị em của Rolex và lần đầu xuất hiện vào năm 1960 trên mẫu Submariner chế tác riêng cho Hải quân Pháp.
Thiết kế này mang tính thực dụng cao với đầu kim giờ vuông vức, giúp tăng khả năng nhận diện trong môi trường nước sâu. Điểm nhấn đặc trưng là phần ô vuông cách điệu, gợi liên tưởng đến những bông tuyết rơi, kết hợp cùng lớp dạ quang sáng rõ, giúp việc xem giờ trở nên dễ dàng ngay cả trong bóng tối.
Dù đã tồn tại hơn 50 năm, kim Snowflake vẫn là dấu ấn không thể nhầm lẫn của Tudor, đại diện cho sự bền bỉ, tinh thần phiêu lưu trong thế giới đồng hồ lặn chuyên nghiệp.
18. Fleur de Lis

Kim Fleur de Lis nổi bật với thiết kế tinh xảo mang tính trang trí cao, lấy cảm hứng từ biểu tượng hoa bách hợp (Fleur de Lis) – một biểu tượng gắn liền với hoàng gia, đặc biệt là chế độ quân chủ Pháp. Đầu kim tạo hình theo biểu tượng này mang lại vẻ đẹp sang trọng, cổ điển.
Phổ biến trên đồng hồ bỏ túi thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, thường xuất hiện trên thiết kế mang phong cách hoài cổ. Hiện nay, chúng thường xuất hiện trên thương hiệu cao cấp như Breguet, Patek Philippe,…
19. Syringe

Kim đồng hồ giờ và phút mang thiết kế “syringe” (ống tiêm) đặc trưng với phần thân thuôn dài và đầu kim nhọn
Kim Syringe (kim ống tiêm) được đặt tên theo hình dáng đặc trưng của nó, với phần gốc trụ rộng, đầu kim nhọn tựa như một chiếc ống tiêm. Thiết kế này mang lại sự thanh thoát giúp tăng độ chính xác khi xem giờ.
Xuất hiện phổ biến từ năm 1940 – 1950, kim Syringe có ở thiết kế chronograph và phi công, đặc biệt là của thương hiệu danh tiếng như Longines, Omega.
Nhờ vẻ ngoài tinh tế, đậm chất công cụ, loại kim này thường sử dụng trên thiết kế mang phong cách kỹ thuật hoặc phục vụ cho mục đích chuyên biệt.
20. Stick (Fils)

Saga Stella Chance 53578-SVBLSV-2 gây ấn tượng với kim giây Stick thanh mảnh tinh tế, mang đến vẻ đẹp tối giản nhưng đầy cuốn hút
Kim Stick mang phong cách tối giản với thiết kế thẳng, mảnh, thanh lịch. Đây là kiểu kim phổ biến trên những thiết kế có mặt số nhỏ, đặc biệt phù hợp với phong cách công sở hiện đại.
Thường xuất hiện ở đồng hồ Quartz mỏng, kim Stick mang đến vẻ ngoài tinh tế và trang nhã. Dù có nét tương đồng với kim Baton nhưng kim Stick nhỏ gọn hơn, tạo cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát hơn trên mặt số.
Lịch sử ra đời của những chiếc kim đồng hồ
Trước khi kim chỉ thời gian ra đời, con người đã sử dụng Mặt Trời để xác định thời điểm trong ngày thông qua bóng đổ (sundial) và đo lường thời gian bằng dòng chảy của nước (clepsydra) ở Ai Cập và Hy Lạp cổ đại. Tuy nhiên, những phương pháp này chưa thể hiển thị thời gian chính xác đến từng phút hay giây.
- Khởi nguồn – Khi đồng hồ chỉ có một kim
Vào thế kỷ 14, cỗ máy cơ khí đầu tiên xuất hiện tại châu Âu, chủ yếu lắp đặt trong tòa tháp nhà thờ hoặc quảng trường lớn. Lúc bấy giờ, chúng chỉ có một kim giờ duy nhất để hiển thị thời gian vì chưa đo lường chính xác đến từng phút hay giây.
- Sự xuất hiện của kim phút (thế kỷ 15 – 17)
Năm 1475, kim phút xuất hiện nhưng chưa được sử dụng rộng rãi.
Năm 1577, nhà chế tác người Thụy Sỹ Jost Bürgi cải tiến cơ chế đo thời gian và phát triển kim phút, giúp đo thời gian chính xác hơn, đặc biệt trong đồng hồ thiên văn.
Đầu thế kỷ 17, kim phút dần xuất hiện ở thiết kế bỏ túi cao cấp.
Năm 1675, đồng hồ bỏ túi có kim phút trở nên phổ biến hơn nhờ cải tiến kỹ thuật giúp nâng cao độ chính xác.
- Kim giây – Cuộc cách mạng đo lường thời gian (thế kỷ 16 – 19)
Giai đoạn 1560 – 1570, kim giây xuất hiện trên một số mẫu thiên văn nhưng chưa phổ biến.
Thế kỷ 18, kim giây bắt đầu xuất hiện trên thiết kế bỏ túi, phục vụ cho khoa học và hàng hải.
Đầu thế kỷ 19, kim giây trở thành tiêu chuẩn trên đồng hồ bỏ túi dành cho công chúng.
Cuối thế kỷ 19, kim giây xuất hiện trên thiết kế đeo tay, đặc biệt trong quân đội và y tế.
- Đồng hồ Chronograph và sự phát triển của nhiều kim giây ( thế kỷ 19 – 20)
Khi nhu cầu đo lường thời gian chính xác hơn nữa xuất hiện, đặc biệt là trong thể thao, hàng không và quân đội, thiết kế Chronograph ra đời. Đây là cỗ máy có nhiều kim giây nhỏ trên các mặt số phụ, giúp bấm giờ, đo thời gian chính xác hơn.
Năm 1821, Nicolas Mathieu Rieussec (Pháp) phát minh ra cơ chế Chronograph.
Năm 1862, mẫu Chronograph thương mại đầu tiên được sản xuất.
Thế kỷ 20, Chronograph trở thành tiêu chuẩn trong lĩnh vực hàng không, đua xe và quân đội.
Ngày nay, kim đồng hồ đeo tay không chỉ đa dạng về thiết kế mà còn tích hợp nhiều tính năng hiện đại, như phủ dạ quang hay ứng dụng trên cả máy cơ và điện tử. Trải qua hàng thế kỷ phát triển, chúng đã trở thành biểu tượng của sự chính xác, tinh tế và nghệ thuật chế tác.
Quy trình chế tạo ra kim đồng hồ
Kim đồng hồ là một chi tiết nhỏ nhưng đòi hỏi độ chính xác, tinh xảo cao. Để tạo ra một bộ kim hoàn hảo, nhà sản xuất phải trải qua nhiều công đoạn khắt khe.
1. Dập dòng kim
Trước tiên, kim loại như thép, đồng thau, vàng hoặc titan cuộn thành dải mỏng, sau đó đưa vào máy dập. Máy sẽ ép và dập kim loại để tạo hình thô của kim – lúc này, chúng chỉ là những thanh kim loại nhỏ có kích thước gần đúng.
Ở giai đoạn này, kim đồng hồ chưa có đầu nhọn, chưa có lỗ gắn vào trục cũng như chưa có bất kỳ chi tiết nào đặc trưng.
2. Dập cắt kim đồng hồ
Sau khi có phôi kim, các máy cắt chuyên dụng sẽ tạo ra kiểu dáng chính xác theo từng thiết kế. Đây là bước quyết định hình dạng đặc trưng của kim như kim Mercedes của Rolex, kim Breguet có vòng tròn, kim Dauphine sắc nét…tất cả được quyết định trong bước này.
Ngoài ra, ở bước này, người ta cũng sẽ đục lỗ nhỏ để gắn kim vào trục bánh răng của bộ máy.
Dù đã có hình dạng hoàn chỉnh, bề mặt kim vẫn còn thô ráp, chưa đủ đẹp để đưa vào cỗ máy.
3. Đánh bóng và xử lý bề mặt kim đồng hồ
Bề mặt kim sau khi cắt có thể thô ráp, vì vậy chúng cần đánh bóng hoặc xử lý bằng một số phương pháp khác như mạ vàng, đánh mờ hoặc nung xanh để tăng độ bền, tính thẩm mỹ. Một số dòng cao cấp còn đánh bóng bằng kim cương để đạt độ sáng hoàn hảo.
Bước này giúp kim đạt độ hoàn thiện cao cấp, đảm bảo khi gắn lên mặt số sẽ nổi bật, dễ đọc.
4. Sơn phủ dạ quang (nếu có) kim đồng hồ
Với dòng đồng hồ dạ quang, thợ chế tác sẽ tạo rãnh nhỏ trên kim để bôi chất phát quang (thường là Super-LumiNova).
Để đảm bảo độ sáng tốt nhất, kim đồng hồ sẽ trải qua phủ hai lớp dạ quang, sấy khô từng lớp.
Khi hoàn thành, kim sẽ hấp thụ ánh sáng ban ngày và phát sáng trong bóng tối.
Trước khi xuất xưởng, kim đồng hồ đeo tay phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt. Những chiếc kim bị cong, lệch hoặc không đạt tiêu chuẩn sẽ bị loại bỏ. Chỉ những chiếc kim hoàn hảo nhất mới lắp vào mặt số để hoàn thiện một cỗ máy thời gian chuẩn xác.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Các loại dây da đồng hồ & 8 kiểu phổ biến nhất
Giải mã cọc số đồng hồ & Phân loại các thiết kế
Các loại dây đồng hồ kim loại thịnh hành nhất
Đồng hồ Vintage là gì? Lý giải sức hút vượt thời gian
Các loại dây đồng hồ phổ biến – Đặc điểm chi tiết & cách chọn
Case Back là gì? Các loại nắp lưng đồng hồ
Đá Swarovski – “Vũ khí quyến rũ” của đồng hồ thời trang
Đồng hồ Dress Watch là gì? Cách nhận diện & lựa chọn
THẢO LUẬN