Bạn nghĩ rằng kim giây là bộ phận ít quan trọng nhất thì bạn không hề đơn độc – 99% người dùng có chung suy nghĩ này. Nhưng với 1% dân chơi đồng hồ thực thụ, chi tiết nhỏ bé này lại đầy thú vị. Hãy cùng khám phá 5 sự thật thú vị về kim giây và xem bạn đã biết được bao nhiêu nhé!
Kim giây đồng hồ – Tìm hiểu chức năng và vị trí
Kim giây là một trong ba kim quan trọng trên mặt số đồng hồ, bên cạnh kim giờ và kim phút. Đây là kim có tốc độ di chuyển nhanh nhất, giúp hiển thị và đo lường thời gian chính xác đến từng giây. Có hình dáng mảnh mai, dài nhẹ và đôi khi được thiết kế cách điệu để tạo điểm nhấn cho mặt số.

Kim giây có thiết kế thanh mảnh và dài nhất, nổi bật giữa kim giờ và kim phút
Chức năng chính:
- Hiển thị thời gian trôi qua theo từng giây, giúp theo dõi thời gian chính xác hơn.
- Hỗ trợ tính năng bấm giờ trên dòng Chronograph.
- Chuyển động của chúng phản ánh hoạt động của bộ máy bên trong.
Bộ phận này thường xuất hiện ở hai vị trí chính:
- Kim giây trung tâm (Central Seconds): Đặt ở trung tâm mặt số cùng với kim giờ và phút, phổ biến trên hầu hết mẫu hiện đại.
- Kim giây nhỏ (Small Seconds): Đặt ở mặt số phụ nhỏ thường thấy ở thiết kế cổ điển hoặc dòng Chronograph.
Lịch sử của chiếc kim giây trên đồng hồ
Bộ phận này đã trải qua một hành trình phát triển dài. Vào thế kỷ 15, nó xuất hiện trên một số mẫu đồng hồ bỏ túi ở Đức nhưng chưa phổ biến do hạn chế về kỹ thuật và nhu cầu thị trường.
Đến thế kỷ 17, ngành chế tác có bước tiến quan trọng khi bổ sung bánh răng thứ tư vào bộ máy, từ đó kim giây có chu kỳ quay một phút. Cải tiến này, kết hợp với bánh đà phụ bên ngoài hỗ trợ tính năng dừng thời gian và giúp việc tích hợp mặt số phụ hiển thị giây trở nên phổ biến hơn.
Trước những năm 1940, hầu hết thiết kế sử dụng kim giây nhỏ đặt trong mặt số phụ ở vị trí 6 giờ, do ảnh hưởng từ cách bố trí bánh răng trong bộ máy cổ điển. Cơ chế gián tiếp này khiến chuyển động kém ổn định, ảnh hưởng đến độ chính xác.
Bước ngoặt xảy ra vào năm 1948, khi mẫu Zenith Cal. 133 ra đời với thiết kế cải tiến, đưa bộ phận này vào vị trí trung tâm. Việc hoán đổi này giúp bánh xe kim phút trở thành bộ phận gián tiếp, loại bỏ dao động dư thừa, tối ưu độ chính xác và nâng cao tính thẩm mỹ.
Một tính năng quan trọng khác là Hacking stop (hay Stop Seconds), xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 và trở nên phổ biến trong Thế chiến II với mẫu quân đội A-11. Tính năng này giúp binh sĩ đồng bộ thời gian chính xác khi thực hiện kế hoạch tác chiến, trở thành một yếu tố quan trọng trong quân sự.

Zenith Cal. 133 đánh dấu bước ngoặt trong thiết kế khi lần đầu tiên đưa kim giây vào vị trí trung tâm mặt số
5 sự thật thú vị về kim giây trên đồng hồ
1. Giúp nhận diện đồng hồ cơ và đồng hồ Quartz
Một cách đơn giản để phân biệt máy cơ và máy pin là quan sát chuyển động của kim giây. Nếu cả hai loại đều có bộ phận này và đang hoạt động, sự khác biệt sẽ rất rõ ràng.
- Máy cơ: Chuyển động mượt mà, trôi lướt một cách liên tục nhờ bộ máy cơ học, tạo cảm giác êm dịu và liền mạch.
- Máy Quartz: Nhảy từng nấc một cách rõ ràng theo từng giây, đặc trưng bởi chuyển động giật nhịp do cơ chế điều khiển bằng tinh thể thạch anh.
Chỉ cần chú ý quan sát là bạn đã có thể phân biệt hai loại chuyển động này một cách dễ dàng.

Bên phải là chuyển động kim giây của máy cơ, bên phải là của máy Quartz
2. Kim giây phát sáng là đặc điểm không thể thiếu trên đồng hồ lặn
Trên những cỗ máy thông thường, sự có mặt của chúng đôi khi không quá quan trọng. Tuy nhiên, đối với đồng hồ lặn, đó không chỉ là một chi tiết trang trí mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo an toàn cho thợ lặn.
Khi lặn xuống sâu, ánh sáng giảm dần khiến việc quan sát thời gian trở nên khó khăn. Chính vì vậy, kim đồng hồ – đặc biệt là kim giây – thường được phủ chất liệu dạ quang như SuperLumiNova hoặc Tritium, giúp người đeo dễ dàng theo dõi thời gian ngay cả trong điều kiện thiếu sáng.
Quan trọng nhất là chúng giúp thợ lặn xác định cỗ máy vẫn hoạt động để tính toán lượng khí oxy còn lại trong bình, thời gian giảm áp,…điều mà kim giờ và kim phút di chuyển chậm không thể hiện rõ. Do đó, sơn dạ quang là yếu tố bắt buộc phải có theo tiêu chuẩn ISO 6425.
Để tăng khả năng nhận diện, một số thương hiệu như Rolex, Seiko,…còn thiết kế với đầu tròn hoặc hình mũi tên giúp người dùng dễ dàng theo dõi trong môi trường nước.

Kim giây được phủ dạ quang, giúp phát sáng trong môi trường thiếu sáng, đảm bảo người đeo dễ dàng nhận biết đồng hồ vẫn đang hoạt động.
3. Không phải chiếc đồng hồ nào cũng có kim giây
Trước đây, một cỗ máy hoàn chỉnh thường có đầy đủ ba kim: giờ, phút và giây. Tuy nhiên, với xu hướng thiết kế tối giản ngày càng phổ biến, nhiều thương hiệu đã loại bỏ chi tiết này để mang đến diện mạo tinh gọn hơn.
Điều này được thể hiện rõ nét bởi Daniel Wellington – thương hiệu theo đuổi phong cách thanh lịch, hiện đại. Đặc biệt, cỗ máy sử dụng bộ máy thạch anh cũng loại bỏ chi tiết này vì chuyển động giật của nó không tạo cảm giác mượt mà như ở máy cơ.
Ngoài ra, các dòng dress watch cao cấp từ thương hiệu như Cartier Tank Solo hay Audemars Piguet Jules Audemars cũng không có bộ phận này nhằm tối ưu vẻ đẹp cổ điển, sang trọng.

Bộ sưu tập Saga MOP Diamonds tinh giản kim giây để tôn vinh vẻ đẹp rực rỡ của mặt số khảm xà cừ lấp lánh
4. Kim giây dừng không đồng nghĩa với việc đồng hồ bị hỏng
Nhiều bạn khi thấy kim giây đồng hồ ngừng di chuyển liền cho rằng chúng đã bị hỏng. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Đặc biệt, hiện tượng này khá phổ biến ở các mẫu đắt tiền.
Một số bộ máy cơ cao cấp sẽ trang bị tính năng dừng kim giây (Hacking Seconds) khi rút núm chỉnh giờ. Điều này giúp người dùng có thể căn chỉnh thời gian chính xác đến từng giây, đặc biệt hữu ích khi cần đồng bộ hóa đồng hồ với một thiết bị đo thời gian khác.
Nhiều mẫu thạch anh hiện đại, đặc biệt là dòng sử dụng năng lượng mặt trời như Citizen Eco-Drive hoặc Seiko Solar, có chế độ tiết kiệm pin. Khi không được sử dụng trong một thời gian dài hoặc bị che sáng, kim đo giây tạm dừng để giảm mức tiêu thụ năng lượng nhưng bộ máy bên trong vẫn hoạt động bình thường.
Ở dòng Chronograph, kim ở trung tâm thường chỉ hoạt động khi chế độ bấm giờ được kích hoạt. Trong trạng thái bình thường, nó sẽ đứng yên, còn kim nhỏ ở mặt số phụ sẽ đảm nhiệm vai trò đo giây liên tục. Điều này có thể khiến nhiều người nhầm tưởng đồng hồ bị lỗi.
5. Kim ở vị trí trung tâm chưa chắc là kim giây
Thông thường, kim giây nằm ở vị trí trung tâm cùng với kim giờ và kim phút. Tuy nhiên, không phải lúc nào kim trung tâm cũng đảm nhận nhiệm vụ đo giây. Nó có thể đảm nhiệm một chức năng hoàn toàn khác, tùy thuộc vào cơ chế vận hành.
Ở đồng hồ Chronograph, kim trung tâm thực chất là kim bấm giờ, chỉ hoạt động khi người dùng kích hoạt tính năng đo thời gian. Trong khi đó, kim giây thực sự lại nằm ở một mặt số phụ nhỏ, thường ở vị trí 3, 6 hoặc 9 giờ. Điều này dễ khiến nhiều người lầm tưởng rằng bộ máy bị lỗi khi thấy kim trung tâm đứng yên.
Những mẫu GMT thường có kim trung tâm thứ tư, dùng để hiển thị múi giờ thứ hai trên thang đo 24 giờ. Kim này di chuyển chậm hơn kim giây rất nhiều, chỉ hoàn thành một vòng quay trong 24 giờ, giúp người đeo dễ dàng theo dõi giờ quốc tế.
Với mẫu thể thao, đặc biệt là dòng dành cho đua xe, kim trung tâm có thể là kim đo tốc độ (Tachymeter). Khi kích hoạt chức năng bấm giờ, kim này sẽ di chuyển quanh mặt số, giúp người dùng tính toán vận tốc dựa trên quãng đường di chuyển.
Đối với cỗ máy xa xỉ với nhiều tính năng phức tạp, kim trung tâm có thể được sử dụng để hiển thị các thông tin như lịch tuần trăng, chu kỳ thiên văn, chỉ báo năng lượng hoặc thông số đặc biệt khác. Những kim này di chuyển rất chậm, thậm chí chỉ dịch chuyển mỗi 24 giờ hoặc lâu hơn.
Một số thiết kế kim giây độc đáo
1. Kim giây đôi (Double Seconds / Rattrapante)
Rattrapante, hay còn gọi là Split-Seconds, là một trong những cơ chế phức tạp nhất trong đồng hồ bấm giờ (Chronograph).
Cỗ máy có chức năng này sở hữu hai kim giây chồng lên nhau. Khi bạn bắt đầu bấm giờ, cả hai kim sẽ chạy cùng lúc.
Khi muốn ghi lại một mốc thời gian trung gian (ví dụ: thời gian hoàn thành một vòng đua), bạn nhấn nút Split, một kim sẽ dừng lại, hiển thị kết quả, trong khi kim còn lại vẫn tiếp tục chạy.
Khi nhấn nút lần nữa, kim dừng sẽ “bắt kịp” kim đang chạy, trở về vị trí chồng lên nhau như ban đầu (rattraper trong tiếng Pháp có nghĩa là “bắt kịp”). Cơ chế này thường xuất hiện trên những mẫu thể thao cao cấp, đặc biệt là đồng hồ đua xe hoặc hàng không.
Thương hiệu tiêu biểu như Patek Philippe Ref. 5370P, A. Lange & Söhne Double Split, IWC Portugieser Chronograph Rattrapante,..

2. Kim Foudre
Kim giây Foudre (tiếng Pháp nghĩa là “tia sét”) có hình dạng sắc bén như tia sét, thường xuất hiện trên dòng Chronograph. Thiết kế này không chỉ tạo điểm nhấn thị giác mà còn giúp người dùng dễ dàng theo dõi khi bấm giờ.
Chế tác từ thép cao cấp, kim Foudre không phổ biến rộng rãi mà chủ yếu xuất hiện trên những mẫu đồng hồ đặc biệt như Rolex Oyster Perpetual Milgauss,…tạo điểm nhấn độc đáo và cá tính mạnh mẽ cho thiết kế.

3. Kim Retrograde
Kim Retrograde là một thiết kế sáng tạo và độc đáo trong ngành chế tác cỗ máy thời gian. Từ “Retrograde” bắt nguồn từ tiếng Latinh, mang ý nghĩa “quay ngược lại”, mô tả chính xác cơ chế hoạt động của loại kim này.
Kim Retrograde di chuyển theo một cung nhất định thay vì xoay tròn như kim thông thường. Khi chạm điểm cuối, kim lập tức bật ngược về vị trí ban đầu nhờ cơ chế lò xo hồi phục (return spring).
Do yêu cầu kỹ thuật cao trong thiết kế bánh răng và lò xo, Retrograde thường xuất hiện trên sản phẩm đắt tiền. Ban đầu phổ biến trên đồng hồ bỏ túi, cơ chế này được các thương hiệu danh tiếng như Breguet, Vacheron Constantin, Audemars Piguet phát triển mạnh mẽ trên sản phẩm của mình.

Kim Retrograde trên hình ở vị trí 8 đến 10 giờ
4. Kim Lollipop
Kim Lollipop lấy cảm hứng từ hình dáng của cây kẹo mút, với đầu kim là một vòng tròn lớn, tạo nên vẻ ngoài độc đáo và dễ nhận diện. Đây là một biến thể của kim Breguet nhưng có đầu kim ngắn hơn và hình tròn to hơn. Thiết kế này không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn giúp tăng diện tích dạ quang, cải thiện khả năng đọc giờ trong điều kiện thiếu sáng.
Kim Lollipop thường xuất hiện trên những mẫu đồng hồ lặn biểu tượng như Omega Seamaster, Tudor Submariner cổ điển (ref. 76100) hay Rolex Explorer II ref. 1655, mang đến sự kết hợp giữa phong cách cổ điển và tính năng thực dụng.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Các loại dây da đồng hồ & 8 kiểu phổ biến nhất
Giải mã cọc số đồng hồ & Phân loại các thiết kế
Các loại dây đồng hồ kim loại thịnh hành nhất
Đồng hồ Vintage là gì? Lý giải sức hút vượt thời gian
Các loại dây đồng hồ phổ biến – Đặc điểm chi tiết & cách chọn
Case Back là gì? Các loại nắp lưng đồng hồ
Đá Swarovski – “Vũ khí quyến rũ” của đồng hồ thời trang
Đồng hồ Dress Watch là gì? Cách nhận diện & lựa chọn
THẢO LUẬN